Tình trạng lấn chiếm kênh mương thủy lợi ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp ở Nam Sách. Huyện đã kiên quyết giải tỏa và ngăn chặn vi phạm mới phát sinh.
Một số hộ dân thôn An Điền (xã Cộng Hòa) xây chuồng trại chăn nuôi lấn chiếm kênh T4
Những năm qua, tình trạng lấn chiếm kênh mương thủy lợi để xây nhà, làm cầu, cống... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Nam Sách. Huyện đã kiên quyết giải tỏa những vi phạm công trình thủy lợi (CTTL), ngăn chặn vi phạm mới phát sinh.
Quyết xử lýTuyến kênh Đò Hàn làm nhiệm vụ tưới chính cho hơn 500 ha lúa và hoa màu của 4 xã của Nam Sách và 2 xã của TP Hải Dương thường xuyên bị ách tắc do hàng chục hộ dân lấn chiếm. Trước kia, kênh bị nhiều hộ dân san gạt đất để trồng cây, vứt rác khiến việc lưu thoát nước khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân ở thôn Cát La (xã Đồng Lạc) cho biết: "Khu ruộng nhà tôi ở cuối kênh dẫn nên mỗi lần lấy nước vào ruộng thường phải đợi rất lâu. Nguyên nhân do phía đầu kênh người dân lấn chiếm khiến lòng kênh bị thu hẹp, ách tắc". Trước những vi phạm này, Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện Nam Sách đã chủ động kiểm tra, lập biên bản 12 hộ dân vi phạm và yêu cầu họ tự chặt phá cây, trả lại hiện trạng bờ kênh. Ban đầu, vì lợi ích nhiều hộ dân ở đây đã không tự phá dỡ nên xí nghiệp đã phối hợp với UBND thị trấn giải tỏa. Sau khi giải tỏa, tuyến kênh Đò Hàn đã thông thoáng trở lại. Hành lang kênh được mở rộng từ 1-2 mét. Việc đưa máy xúc vào làm thủy lợi đông xuân không còn khó khăn như những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện Nam Sách cho biết: "Trên tất cả các tuyến kênh của huyện chúng tôi đều yêu cầu cán bộ của 4 cụm sản xuất rà soát, báo cáo số lượng cũng như hiện trạng vi phạm để cùng với địa phương tìm hướng giải quyết. Việc trồng cây lấn chiếm hành lang kênh được giải tỏa ngay. Những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến lòng kênh đều được nhắc nhở, sau đó mới cưỡng chế, giải tỏa. Ví dụ như trường hợp hút bùn từ ao nhà xuống kênh T7 của 2 hộ dân ở xã An Lâm đã bị phát hiện và yêu cầu hút trả lại để thông thoáng lòng kênh. Những đăng, đó bắt cá trên sông Mỏ Chả (xã Đồng Lạc) cũng đã được giải tỏa cuối tháng 5 vừa qua".
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, đến nay huyện Nam Sách còn 415 vi phạm công trình thủy lợi. Từ tháng 5-2013 đến đầu tháng 6-2014, đơn vị đã xử lý 43 trường hợp, không phát sinh thêm vi phạm mới. Tuy số vi phạm xử lý được mới chỉ chiếm khoảng 10,4% tổng số vi phạm nhưng đây cũng là huyện xử lý được nhiều công trình thủy lợi vi phạm nhất tỉnh.
|
Theo UBND huyện Nam Sách, để xử lý các vi phạm CTTL, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ hợp đồng đấu thầu những diện tích đất trồng cây lâu năm trên bờ kênh. Những xã có nhiều hộ dân lấn chiếm hành lang CTTL để làm cầu, cống chính quyền địa phương lập biên bản giải tỏa. Tại xã Đồng Lạc có nhiều hộ dân lấn chiếm lòng kênh xây tường bao sẽ yêu cầu tháo dỡ. Những nơi có hợp đồng đấu thầu đất trồng cây lâu năm trên bờ kênh đến thời hạn thanh lý mà gây ảnh hưởng đến dòng chảy sẽ phải chấm dứt hợp đồng. Những hộ dân xây nhà, nhà tạm, công trình phụ trợ, trồng cây lâu năm, hoa màu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ hợp lệ, UBND huyện yêu cầu phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế, giải tỏa. Theo ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, nếu không kiên quyết xử lý, những vi phạm CTTL mới sẽ lại tiếp tục phát sinh.
Còn nhiều vướng mắcMặc dù kiên quyết vào cuộc nhưng khó nhất hiện nay ở huyện Nam Sách vẫn là không thể xử lý được các vi phạm của những hộ dân đã được cấp "sổ đỏ" làm nhà lấn chiếm hành lang CTTL. Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý đất đai, cấp sổ đỏ trên cả đất thuộc hành lang CTTL nên không thể lập biên bản yêu cầu giải tỏa được. Theo ông Nguyễn Đình Họa, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, do những năm trước đây việc cấp "sổ đỏ" cho các hộ dân không tính đến hành lang CTTL nên không thể xử lý vi phạm được. Xã chỉ còn cách vận động, tuyên truyền những hộ dân tháo dỡ công trình vi phạm.
Tại Nam Sách, những hộ dân được cấp "sổ đỏ" từ nhiều năm trước đã xây nhà lấn chiếm hành lang CTTL chủ yếu ở các xã Quốc Tuấn, Cộng Hòa, Thái Tân, Nam Hưng, Hợp Tiến. Nhiều nhất là ở xã Quốc Tuấn với khoảng 50 hộ. Nhiều gia đình làm nhà và công trình phụ trợ lấn chiếm 1/3 lòng kênh. Chính quyền nhiều địa phương vẫn thờ ơ, né tránh việc xử lý các vi phạm bởi tâm lý "nể nang" người nhà, người làng. Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện đã nhiều lần nhắc nhở một vài hộ dân làm cầu, công trình phụ trợ lấn ra bờ kênh nhưng do một số người là cán bộ xã nên UBND xã này đã không lập biên bản giải tỏa. Vì né tránh nên hầu hết các vi phạm cũ các xã không xử lý được. Mặc dù xí nghiệp đã nhiều lần đề nghị các địa phương xử lý nhưng họ vẫn cố tình không thực hiện. Vì thế, nhiều vi phạm đã tồn tại gần 5 năm nay vẫn chưa được xử lý, ảnh hưởng đến CTTL. Ngoài ra, việc cắm mốc lộ giới để hạn chế việc lấn chiếm kênh mương theo Quyết định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ cũng khó thực hiện bởi hiện nay đa phần kênh dẫn tưới, tiêu ở tỉnh ta là kênh đất, địa giới không rõ ràng. Hơn nữa, phần lớn các hộ dân xây nhà hoặc các công trình kiên cố gần kênh đều đã được cấp "sổ đỏ". Do đó, việc cắm mốc lộ giới hành lang CTTL khó khả thi.
HẢI MINH