Huyện chỉ đạo cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan về xây dựng nông thôn mới đến từng chi bộ thôn, khu dân cư thuộc 19 xã, thị trấn đồng thời triển khai xây dựng, tu sửa nhiều công trình xã hội...
Diện mạo nông thôn ở xã Nam Tân (Nam Sách) ngày càng đổi mới. Ảnh: Minh Mẫn
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nam Sách cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như thiếu nguồn vốn đầu tư, không có quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến trúc các công trình hiện có lộn xộn và chắp vá... Để thực hiện được mục tiêu xây dựng NTM, hướng đến tiêu chí hiện đại và bền vững, Nam Sách đã đề ra các giải pháp cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho biết: Huyện đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Chỉ đạo cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan về xây dựng NTM đến từng chi bộ thôn, khu dân cư thuộc 19 xã, thị trấn của huyện. Tại kỳ họp thứ 2 HĐND huyện khóa XVIII vừa qua, các đại biểu HĐND cũng đã tập trung thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến các bước triển khai xây dựng NTM như điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ bản, phân bổ, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011. Đến thời điểm này, huyện đã điều chỉnh nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa thôn, khu dân cư từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và giữ nguyên mức hỗ trợ 30 triệu đồng đối với các nhà văn hóa phải sửa chữa. Toàn huyện đã có 86 trong tổng số 102 làng có nhà văn hóa đạt chuẩn, 16 làng còn lại chưa có nhà văn hóa. Do đó, mức hỗ trợ trên (có tính toán đến yếu tố trượt giá) đã kịp thời động viên, khuyến khích các thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện tích cực hơn trong vận động, xây dựng nhà văn hóa ở thôn, khu dân cư.
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng các khu nghĩa trang nhân dân, sân thể thao trong các thôn, khu dân cư để có kế hoạch cải tạo và xây dựng mới. Trước đây, tại các làng, khu dân cư đều có sân kho phục vụ hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao của nhân dân, nhưng nay không còn. Toàn huyện Nam Sách hiện có 81 trong tổng số 102 thôn, khu dân cư đã có sân chơi, nhưng chưa bảo đảm diện tích theo quy định (rộng từ 2.000m2 trở lên). Để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phục vụ xây dựng NTM, đáp ứng nhu cầu hoạt động thể thao của nhân dân, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất chủ trương hỗ trợ 30 triệu đồng đối với mỗi thôn, khu dân cư xây dựng sân chơi thể thao đạt chuẩn quy định. Các khu nghĩa trang nhân dân trong huyện hiện chưa được quy hoạch, quản lý tốt, việc hung táng, cát táng còn mạnh ai nấy làm. Nam Sách đã tập trung xây dựng đề án “Quy hoạch và đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng, nghĩa trang nhân dân”. Huyện quyết định hỗ trợ 20% tổng kinh phí đầu tư quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống điện chiếu sáng nông thôn, chủ động huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các đường trục chính và đường vào thôn xóm, bảo đảm thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Kết quả rà soát cũng cho thấy: toàn huyện còn 9% (tương ứng với 50 km) đường chưa được cứng hóa. Do đó, Nam Sách đã chỉ đạo các thôn, khu dân cư tiếp tục vận động nhân dân đóng góp, cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện, để sớm xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn đạt chuẩn, phục vụ việc đi lại của người dân.
Các bước tiến hành xây dựng NTM đang được huyện Nam Sách khẩn trương chỉ đạo thực hiện. Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, huyện cũng đang tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vận động quần chúng thực hiện xây dựng NTM. Nam Sách cũng xác định, xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn thể xã hội, trên nguyên tắc dựa vào nội lực của nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện để người dân thực sự trở thành chủ thể trong tiến trình xây dựng NTM ở địa phương.
TIẾN HUY