Nam Sách tri ân người có công

26/07/2012 12:01

Cuộc sống của các gia đình chính sách ở Nam Sách đang được sưởi ấm bởi sự quan tâm, chăm sóc đầy tình người...



Thanh, thiếu niên xã Nam Trung chăm sóc các phần một liệt sĩ


Gần ngày 27-7, căn nhà của cụ Nguyễn Thị Hồng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Viết Tịnh ở thôn Cõi, xã An Sơn (Nam Sách) rộn rã tiếng nói cười của các chị ở Hội Phụ nữ xã đến thăm cụ, trích quỹ hội mua tặng cụ một chiếc quạt cây. Trong đó có chị Đặng Thị Tứ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã được hội phân công thường xuyên thăm nom, giúp đỡ cụ. Cụ Hồng năm nay đã ngót 90 tuổi, có 6 người con đều đi làm ăn xa. Các con của cụ cũng muốn đón cụ đến ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng cụ bảo: " Tôi còn phải ở nhà thờ cúng tổ tiên và thằng Tịnh (người con đã hy sinh)". Thấy cụ ở một mình và sức ngày một yếu, từ hơn 2 năm nay, hội đã phân công chị Tứ vừa ở gần nhà cụ, lại cũng ở một mình (chồng, con chị đều đi công tác xa nhà) qua lại chăm sóc cụ. Dù rất bận việc đồng áng, việc của hội, nhưng ngày nào chị Tứ cũng sang thăm cụ một vài lần. Lúc thì chị sang để giúp cụ dọn vườn, quét nhà, thổi cơm, khi thì mang biếu cụ bát canh, miếng bánh... Cụ Hồng kể lại rất rõ lần chị Tứ giúp cụ khi chẳng may cụ bị bỏng: "Tôi bê nồi nước gội đầu thì bị ngã bỏng cả mặt và tay. Đau lắm, nhưng không muốn gọi con về vì chúng nó còn làm ăn. Cô Tứ sang thấy thế cứ khóc rồi gọi người đưa tôi đi viện". Chị Nguyễn Thị Pha, con gái út của cụ về thăm mẹ, rưng rưng nước mắt, bảo: "Cảm ơn các chị em hội phụ nữ lắm vì có các chị giúp chăm sóc mẹ, chúng em mới yên tâm làm ăn, công tác".


Hội Phụ nữ xã An Sơn tặng mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng cây quạt mới


Rời An Sơn, trên đường về xã Nam Trung, khi đi qua nghĩa trang liệt sĩ xã, chúng tôi gặp một nhóm thanh, thiếu niên vừa quét dọn nghĩa trang vừa vui vẻ cười đùa. Thấy được chụp ảnh, các em học sinh Trường THCS Nam Trung ríu rít đòi chụp cạnh những ngôi mộ liệt sĩ là ông, là bác trong họ. Tôi hỏi về ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động tình nguyện này, các em đều nhanh nhảu đáp: "Để tưởng nhớ công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc". Anh Phạm Huy Giang, Bí thư Đoàn xã Nam Trung cho biết: "Dịp 27-7 năm nay, Đoàn xã đã trích quỹ tặng 5 suất quà trị giá 200 nghìn đồng/suất cho các gia đình chính sách tiêu biểu trong xã. Giá trị phần quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của thanh, thiếu niên đối với những người có công". Cùng với tuổi trẻ huyện Nam Sách, thanh, thiếu niên Nam Trung cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ như: sửa chữa điện, tu sửa công trình nước sạch, tham gia khám, chữa bệnh cho thân nhân liệt sĩ, đối tượng chính sách, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ...

Giản dị và đầy tình người, các hoạt động tri ân người có công ở mảnh đất Nam Sách vốn chịu nhiều đau thương, mất mát, với 138 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2.900 người đã anh dũng hy sinh, hơn 2.400 thương, bệnh binh, cứ lan tỏa trong mọi giới, mọi tầng lớp. Đặc biệt, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, trong 5 năm qua, Nam Sách đã khơi dậy nhiều nguồn lực, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" đạt hiệu quả thiết thực. Trong 5 năm, huyện đã ưu tiên giải quyết kịp thời các chế độ tồn sót, công nhận thêm 4 trường hợp là liệt sĩ, 39 thương binh, 655 người hoạt động kháng chiến có con đẻ bị  nhiễm chất độc da cam được hưởng trợ cấp hằng tháng, 44 người được xác nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, xét trợ cấp ưu đãi cho trên 5.000 lượt học sinh, sinh viên là con gia đình chính sách. Các xã, thị trấn đã đầu tư, vận động con em quê hương ủng hộ trên 10 tỷ đồng tu sửa, xây dựng các công trình đền liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ... Mỗi năm, các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trích quỹ, vận động ủng hộ gần 100 triệu đồng để tặng quà các gia đình chính sách nhân các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7... Nhiều chính sách hỗ trợ khác như giúp người có công vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ thương, bệnh binh và người có công sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách... được quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 2007 đến nay, quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" của toàn huyện đã huy động được gần 700 triệu đồng. Nam Sách cũng đã huy động nhiều doanh nghiệp, đơn vị, như:  Công ty Nhựa - Môi trường xanh An Phát, Công ty Xi - măng Duyên Linh (Kinh Môn), Công ty Xây lắp 2 ( Hà Nội)... ủng hộ tiền, vật chất xây dựng nhiều công trình nhà ở, mua sắm đồ dùng, ủng hộ sổ tiết kiệm, tạo việc làm cho con em các gia đình chính sách... Thông qua Ủy ban MTTQ huyện, Nam Sách vận động các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng để sửa chữa, xây nhà ở cho các gia đình chính sách chưa có nhà ở hoặc nhà đã xuống cấp. Ủy ban MTTQ huyện cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan phối hợp với các xã, thị trấn trong việc rà soát, đánh giá và đề nghị xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng mới, hỗ trợ tu sửa 63 ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Toàn huyện không còn hộ chính  sách ở nhà tranh tre, dột nát.

Những nghĩa cử cao đẹp và sự quan tâm của toàn xã hội đã góp phần làm vơi dần những đau thương, mất mát của những gia đình chính sách. Nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trong huyện đã vượt qua khó khăn, tham gia công tác, lao động, sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương. Tại hội nghị gặp mặt  người có công tiêu biểu do huyện tổ chức sáng 20-7, đã có 37 cá nhân là người có công được biểu dương, khen thưởng. Tiêu biểu, như các thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Để (ở xã Cộng Hòa), Nguyễn Bắc Bẩy (ở xã An Sơn) ...

Gìn giữ nét đẹp của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn",  huyện Nam Sách đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người có công nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Huyện vận động các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tích cực ủng hộ quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" một ngày lương và huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Từ đầu tháng 7 đến nay, quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" cấp huyện đã thu được 60 triệu đồng. Các địa phương và cấp huyện đều có kế hoạch tổ chức lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách ở 3 xã; trích ngân sách thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu... Nhiều đoàn thể, hội, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động tri ân như: Hội nạn nhân chất độc da cam huyện phối hợp tổ chức khám bệnh miễn phí cho hội viên, tặng 3 suất quà trị giá 300 nghìn đồng/suất cho các thương binh; chùa Nguyên Đào (thị trấn Nam Sách) tặng 20 suất quà trị giá 4 triệu đồng cho 20 gia đình chính sách tiêu biểu. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường phối hợp trong việc chăm sóc, giữ vệ sinh ở các nghĩa trang liệt sĩ. Đoàn Thanh niên tổ chức các đội thanh niên tình nguyện đảm nhận các phần việc như tu sửa, cải tạo các công trình đường điện sinh hoạt tại các gia đình chính sách ở xã Cộng Hòa; khám, chữa bệnh cho đối tượng chính sách ở xã Nam Chính...

Bà Đặng Thị Kim Quy, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách cho biết: "Huyện đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, tri ân người có công; phấn đấu  thực hiện đầy đủ, chính xác các chế độ ưu đãi người có công; khuyến khích, tạo điều kiện để các thương, bệnh binh, người có công tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương".

THU MINH

(0) Bình luận
Nam Sách tri ân người có công