Sau khi chuyển 4 xã, trong đó có khu công nghiệp Nam Sách về TP Hải Dương, huyện Nam Sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp...
Cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) được quy hoạch mở rộng thêm 35 ha
Huyện Nam Sách có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện, lại gần cảng Hải Phòng nên có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Những năm trước đây, khu công nghiệp (KCN) Nam Sách nhanh chóng lấp đầy. Ven quốc lộ 5, quốc lộ 37 đã có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, huyện thu hẹp địa giới hành chính, chuyển 4 xã về TP Hải Dương, trong đó có KCN Nam Sách và hàng chục doanh nghiệp khác. Bởi thế, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế.
Để đạt mục tiêu trước năm 2020 Nam Sách trở thành huyện công nghiệp, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã có định hướng mới cho bước phát triển công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, huyện tập trung phát triển công nghiệp trên các trục quốc lộ 37 cũ và tuyến đường mới kéo dài đầu cầu Hàn. Trên tuyến quốc lộ 37 cũ từ xã Ái Quốc đến cầu Bình, mở rộng cụm công nghiệp (CCN) An Đồng thêm 35 ha, xây dựng CCN Đồng Lạc mới rộng 40 ha. Các CCN này đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang chọn lựa các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Điểm nhấn mới cho công nghiệp Nam Sách trong tương lai gần là huyện dành gần 190 ha để xây dựng KCN Quốc Tuấn - An Bình và khu dân cư cho KCN này. Đây là 1 trong 18 KCN của tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Gần khu vực cầu Bình, huyện cũng hình thành khu dân cư, kết hợp phát triển CCN nhỏ thuộc các xã Thanh Quang, Nam Tân, Hợp Tiến.
Đồng chí Lê Như Hẹn, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng huyện Nam Sách cho biết: Bức tranh công nghiệp của Nam Sách sẽ có nhiều nét mới khi công trình cầu Hàn thi công xong và tuyến đường mới dài gần 10,5 km từ đầu cầu Hàn đi qua 7 xã là Minh Tân, Hồng Phong, Nam Hồng, Nam Trung, An Sơn, Nam Chính và Quốc Tuấn. Huyện đón bắt cơ hội phát triển công nghiệp trên tuyến đường mới này, đồng thời đề nghị tỉnh cho phép quy hoạch phát triển đồng bộ giữa các KCN, CCN với các khu dân cư, khu thương mại, điểm kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, huyện đang triển khai 8 dự án trọng điểm, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đó là các khu dân cư dịch vụ, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi trên nhiều khu vực quan trọng như khu dân cư thương mại, dịch vụ phía đông, phía tây thị trấn Nam Sách. Các xã An Bình, Quốc Tuấn, Thanh Quang, Hợp Tiến, Nam Chính, An Lâm, Đồng Lạc, Cộng Hòa, Thái Tân đều có các công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư thu hút gần 1.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Nam Sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án được huyện và các địa phương thực hiện nhanh chóng. Với tiêu chí thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, đóng góp ngân sách lớn hoặc tạo nhiều việc làm cho người lao động, bảo vệ môi trường, công nghiệp Nam Sách đang từng bước thu hút thêm các nhà đầu tư. Đến giữa năm 2011, toàn huyện đã có 59 doanh nghiệp đầu tư đa ngành, đa nghề, tăng gấp đôi so với trước khi chuyển 4 xã, trong đó có KCN Nam Sách về thành phố. Các doanh nghiệp mới phát triển tập trung trên quốc lộ 37, CCN An Đồng, khu vực đầu cầu Bình. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hiện thu hút trên 4.500 lao động, trong đó 90% lao động là người địa phương. Riêng Công ty May quốc tế Phú Nguyên đã tạo việc làm cho gần 2.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến nông sản xuất khẩu, như chế biến hành, tỏi, bột khoai môn, gừng, nghệ... góp phần thúc đẩy phát triển nhiều loại cây trồng trên địa bàn và các vùng lân cận. Công nghiệp phát triển đã tác động mạnh giúp tiểu, thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề phát triển. Cho đến nay, toàn huyện có 7 làng nghề được tỉnh công nhận. Trong đó tiêu biểu là làng nghề chế biến nông sản Nam Trung, làng nghề mộc An Lâm... Bên cạnh đó còn có hàng trăm cơ sở TTCN sản xuất gia công cơ khí, mộc dân dụng, cửa kính khung nhôm, sản xuất vật liệu xây dựng... phục vụ cho phát triển các KCN, CCN, khu đô thị, khu dân cư mới.
Tuy nhiên, để công nghiệp phát triển và ổn định, tỉnh cần có định hướng tốt trong việc quản lý các CCN, có cơ chế hợp lý cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó vấn đề đặc biệt quan tâm là đầu tư xây dựng hệ thống đường gom quốc lộ 37 nhằm bảo đảm an toàn giao thông, thu gom và xử lý nước thải, chất thải, chống ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách với người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Công nghiệp phát triển sẽ tạo sự bứt phá trong chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của huyện Nam Sách trong thời gian tới.
ANH TUẤN