Trước tình hình dịch bệnh có khả năng tái phát trở lại trên đàn lợn, huyện Nam Sách đã định hướng cho người dân chuyển sang nuôi các con vật khác.
Gia đình anh Vũ Văn Hiện ở xã An Bình (Nam Sách) trước đây nuôi lợn, nay chuyển sang nuôi dê
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại lớn đối với các hộ chăn nuôi của huyện Nam Sách. Trước tình hình dịch bệnh có khả năng tái phát trở lại trên đàn lợn, huyện đã định hướng cho người dân chuyển sang nuôi các con vật khác.
Ông Võ Hồng Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách cho biết DTLCP vẫn diễn biến phức tạp. Gần đây, dịch bệnh lại tái phát tại hai xã Thái Tân và Hiệp Cát. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền để người dân chưa nên tái đàn lợn mà chuyển hướng chăn nuôi phù hợp.
Trước đây, gia đình ông Phan Văn Luân ở thôn La Đôi (xã Hợp Tiến) nuôi 286 con lợn. DTLCP đã xóa sổ toàn bộ số lợn của gia đình. Gia đình ông không vội tái đàn mà chuyển sang nuôi 1.500 con ngan thịt, đến nay chuẩn bị được bán.
Theo ông Đỗ Văn Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Hợp Tiến, trước thời điểm xảy ra DTLCP, cả xã có 379 hộ chăn nuôi với hơn 6.500 con lợn. Khi xảy ra dịch, gần 370 hộ có lợn phải tiêu hủy với 3.946 con, thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng. Sau khi dịch tạm lắng, các hộ tạm thời chưa nuôi lợn trở lại mà chuyển sang nuôi gà, vịt, ngan...
Một số xã của huyện Nam Sách đã định hướng cho người dân chăn nuôi những con vật thế mạnh của địa phương. Xã Nam Hưng có truyền thống chăn nuôi trâu, bò. Khi DTLCP xảy ra, nhiều hộ nuôi lợn đã chuyển sang nuôi trâu, bò, ngựa. Hiện xã Nam Hưng có khoảng 300 con trâu, bò, ngựa, tăng khoảng 40% so với những năm trước.
Một số trang trại nuôi lợn ở Nam Sách còn nuôi những con vật đặc sản. Gia đình ông Lê Văn Bộ ở thôn Đầu Bến (xã Hợp Tiến) bị thiệt hại nặng với hơn 200 con lợn phải tiêu hủy. Gia đình ông đã chuyển sang nuôi 90 con dúi sinh sản. Dúi là loài dễ nuôi, ít bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Do đặc tính của loài gặm nhấm nên thức ăn của dúi chủ yếu là tre, mía, lõi ngô. Đây đều là những loại thức ăn dễ kiếm và phổ biến tại địa phương trong khi hiệu quả kinh tế lại khá cao.
Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Vũ Xuân Hiện ở xã An Bình từng phải tiêu hủy 1.200 con lợn rừng do DTLCP, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Anh Hiện đã cải tạo một số chuồng trại nuôi lợn sang nuôi 300 con dê. Đến nay, đàn dê chuẩn bị được xuất bán. Theo anh Hiện, lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lại có sức đề kháng kém. Anh Hiện chuyển sang nuôi dê bởi đây là vật nuôi ăn cỏ, có giá trị kinh tế tương đương với nuôi lợn rừng.
Nhờ định hướng tốt, đến nay, các loại vật nuôi của huyện Nam Sách tăng đáng kể. Tổng đàn gia cầm đạt 798.000 con, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng trâu, bò cũng phát triển mạnh. Toàn huyện chỉ còn hơn 11.000 con lợn, giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2018.
Chuyển hướng chăn nuôi là cách làm phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Dù vậy, huyện Nam Sách cần định hướng cho người dân phát triển chăn nuôi trên cơ sở tính toán cung cầu, an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ để tránh các dịch bệnh phát sinh.
Huyện Nam Sách đã phải tiêu hủy gần 43.000 con lợn do mắc dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng trên 2.100 tấn, thiệt hại gần 85 tỷ đồng. Tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy tính đến nay gần 56 tỷ đồng. |
NGỌC HÙNG