Nam Phương hoàng hậu - người đàn bà đoan trang phúc hậu

08/03/2018 08:27

Nam Phương hoàng hậu (sinh ngày 4.12.1914, mất ngày 24.9.1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, người huyện Gò Công (Tiền Giang).


Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại

Bà theo đạo Thiên chúa. Người Pháp gọi tên bà là Marie Thérèse. Cha bà là Nguyễn Hữu Hào - một điền chủ giàu có nhất Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Năm 1927, bà sang Pháp học tại Couvent des Oiseaux. 

Năm 1934, vua Bảo Đại cưới bà và sau đó bà được phong Hoàng hậu Nam Phương. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị, bà đưa các con sang Pháp sống lặng lẽ cho đến ngày qua đời. Mộ bà đặt tại Chabrignac (Pháp). Cuộc đời Nam Phương hoàng hậu đầy thăng trầm. 

Người đàn bà bất hạnh

Đã từ lâu, tôi vẫn bị ám ảnh về Nam Phương hoàng hậu - người đàn bà nước Nam có học vấn, xinh đẹp nết na và đoan trang phúc hậu. Con người đã từng học trời Tây nhưng lại làm hoàng hậu của vua nước Nam. Bà có đầy đủ cơ hội để làm những việc lớn và bà đã làm được. Giàu có nết na, nhưng những năm cuối đời, bà thật bất hạnh. 

Năm 2015, khi về viết ở xứ Thanh, tôi có đi cùng anh Lê Văn K., Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật công thương, thăm lại Gia Miêu Ngoại Trang - đất tổ của nhà Nguyễn ở Hà Trung (Thanh Hóa). Trong các quý bà là dâu chúa Nguyễn và sau này là vợ các triều vua nhà Nguyễn ở Huế, tôi bị ám ảnh rất nhiều về Nam Phương hoàng hậu vì cuộc đời bà có nhiều nét đặc biệt. 

Bà là nàng dâu duy nhất của nhà Nguyễn được phong Hoàng hậu. Đất quý hương xưa của nhà Nguyễn đã tạo hồn thiêng sông núi để rồi cháu con nhà Nguyễn có trí tuệ vác gươm đi mở cõi phương Nam lập nên đất Việt hình chữ S. Nhưng khi Bảo Đại về lại Gia Miêu Ngoại Trang có mang theo Nam Phương hoàng hậu không, tôi không thấy nói ở đây, để rồi bà có thắp hương cho tổ tiên không mà để cuối đời Nam Phương hoàng hậu tha phương dâu bể như thế. 

Nhiều người chắc chưa biết Nam Phương hoàng hậu là người yêu nước thuở cách mạng mới thành công. Bà đã từng chủ tọa Tuần lễ vàng ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám. Nguyễn Đắc Xuân viết trong sách "Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại", NXB Thuận Hóa 2013, tái bản lần thứ 7: "Hôm ấy là ngày 17.9.1945, Hoàng hậu Nam Phương đi dự khai mạc tuần lễ vàng tổ chức tại bờ nam sông Hương. Bà là người đầu tiên được mời góp vàng để nuôi quân và mua súng đạn. Bà đến bên một cái bàn trải khăn đỏ, từ từ cởi hết số vàng trang sức mang trên người đặt trước mặt viên thư ký. Ông Trần Hữu Dực đã thay mặt chính quyền Trung Bộ thời đó mời bà chủ toạ tuần lễ vàng ở Huế. Bà vui vẻ nhận lời...". Noi gương bà, các phú hào ở Huế đã đem vàng đi hiến rất đông. 

Từng làm chính trị

Sau ngày Pháp trở lại gây chiến ở Nam Bộ, bà đã từng gửi thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và thế giới yêu cầu họ tố cáo sự tráo trở của Pháp (trang 234-235, sách về Hồ Chí Minh, Abd El Krim của Jean Renaud, xuất bản 1949 tại Paris).

Sử sách viết rằng, mỗi khi Pháp sắp bắt ép Bảo Đại ký những văn bản có hại cho dân, bà thường khéo léo khuyên vua lánh đi nghỉ ở Đà Lạt hay đi săn trên rừng... Bà đã từng giúp Bảo Đại tiếp khách rất khéo léo và gây được thiện cảm. Hồi ký Phạm Khắc Hòe kể lại rằng: "Khi tiếp đoàn chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật, bà đã thân mật hỏi thăm từng gia đình các vị bộ trưởng. Bà chúc mừng những gia đình có con ngoan học giỏi. Bà cầu chúc cho những người chưa có con sẽ có con để có người thừa tự”.

Năm 1942, Quốc vương Campuchia Sihanouc đến thăm Huế đã được bà tiếp. Sự khéo léo của bà về ngoại giao đã gây thiện cảm với Quốc vương xứ Chùa Tháp. Quốc vương đã mời vợ chồng bà đến thăm Nam Vang.

Nam Phương hoàng hậu hội đủ tư cách công - dung - ngôn - hạnh... Dù làm Hoàng hậu nhưng bà vẫn giữ phận làm dâu vua nhà Nguyễn nết na, lễ phép. Cho dù bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đã có thêm người con dâu khác là Mộng Điệp cũng đoan trang, xinh đẹp, biết đối nhân xử thế, khéo léo nhưng bà Từ Cung vẫn không quên nhân cách của Nam Phương hoàng hậu. Những việc liên quan đến Hoàng tộc nhà Nguyễn, bà Từ Cung đều cho gọi Nam Phương đến bàn.


Cung Nam Phương hoàng hậu

Làm từ thiện là một nét đẹp của bà Nam Phương mà người ta hay nhắc đến. Ông Nguyễn Tiến Lãng kể: Hồi ở Huế, bà hay xuất cung đến thăm các trường nữ sinh Đồng Khánh, nữ công học hội của Đạm Phương nữ sĩ... để làm từ thiện. Cuối năm học, bà đến phát phần thưởng cho các học sinh giỏi. Những học sinh được trao phần thưởng của bà lấy làm vinh dự cho cuộc đời học trò của họ. Tiếng vang phúc hậu của bà được Giáo hoàng Vatican đến thăm và khen ngợi. 

Báo chí Pháp nói: Khác với Bảo Đại, cuối đời, bà Nam Phương đã thủ đắc một tài sản lớn, gồm chung cư lớn ở Neuilly, nhiều nhà đất ở Maroc, một chung cư ở đại lộ Opera (Paris), 600 ha đất ở châu Phi... Nhưng dần dần bà không quan tâm đến những tài sản ấy. Buồn việc nước, việc nhà nên bà tự giam mình trong căn nhà đá cẩm thạch.

Tôi nghĩ như bà Nam Phương là người đàn bà sướng nhất nước Nam, thế mà bà không sướng. Bà khổ về tinh thần cho đến cuối đời. Khi bà chết không ai là người thân đưa tiễn. Bà sống những năm cuối đời ở một làng nhỏ tại Pháp và sống một mình. Con cái đều ở xa. Bảo Đại rất nhiều vợ nên chẳng bao giờ đoái hoài đến bà. Khi Nam Phương nhắm mắt xuôi tay, bên cạnh chỉ có người phục vụ ở nhà tang lễ. Mấy tháng sau con cái mới về chịu tang. 

Khi về thăm lại cung Nam Phương hoàng hậu ở Đà Lạt năm 2017, biệt thự mà bố đẻ bà - ông Nguyễn Hữu Hào - người giàu nhất Nam Bộ thời đầu thế kỷ XX đã tặng cho con gái làm của hồi môn khi đi lấy chồng, tôi lại hình dung bà trong bộ đồ Hoàng hậu áo dài màu vàng, cổ cao kín đáo, đôi mắt đẹp buồn xa xăm và tĩnh lặng. Tôi lại thấy bà đang cởi hết những đồ nữ trang trên người để đặt lên bàn phủ khăn đỏ tặng cho kháng chiến...

LÊ TUẤN LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Phương hoàng hậu - người đàn bà đoan trang phúc hậu