Học sinh phổ thông ở độ tuổi từ 6 đến 18 đã có rất nhiều mối quan hệ: với gia đình là ông bà, cha mẹ, anh, chị, em...; với bạn bè, với thầy cô giáo; với người trong làng, xã, khu dân cư...
Một số em còn có phạm vi tiếp xúc rộng tới nhiều vùng trong nước, thậm chí cả nước ngoài. Bên cạnh đó, các em còn nhiều mối quan hệ ảo qua mạng internet... Từ vô vàn mối quan hệ ấy, các em học được nhiều cái hay nhưng cũng bị ảnh hưởng không ít cái dở.
Hai vấn đề nổi cộm mà học sinh mắc phải hiện nay là bạo lực và nói tục chửi bậy. Tuy không phải xảy ra ở tất cả học sinh nhưng có lẽ trường nào, cấp nào cũng có. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều vụ bạo lực học đường. Học sinh trong lớp đánh nhau, học sinh lớp này bạo lực với học sinh lớp khác; đánh nhau cá nhân, đánh hội đồng. Nhẹ là thương tích thân thể, gây ra sợ hãi cho đối tượng yếu thế. Nặng thì mất mạng. Ứng xử với nhau bằng bạo lực, nói tục chửi bậy là "kỹ năng sống" không thể chấp nhận được.
Rèn kỹ năng sống là việc làm suốt đời của tất cả mọi người. Hiện nay, các nhà trường cũng đang chú ý rèn kỹ năng sống cho học sinh bao gồm rèn cho các em cả ngôn ngữ và hành động ứng xử hợp lý nhất với công việc, với mọi người, với xã hội, với tự nhiên. Nhưng nói đến rèn kỹ năng sống cho học sinh phổ thông thì có rất nhiều nội dung. Năm học này, tôi nghĩ các nhà trường cần rèn để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường và nói tục chửi bậy. Việc ấy không dễ, song phải quyết tâm làm và tôi tin sẽ thành công.
Hiện tại, nhà trường vẫn là tổ chức giữ được kỷ cương khá tốt. Quan hệ thầy trò vừa là quan hệ tình cảm, vừa là quan hệ bề bậc. Vì thế tiếng nói của thầy cô vẫn có trọng lượng. Đại đa số học sinh vẫn ngoan, tốt. Số em mắc sai lầm không nhiều. Những việc làm đúng đắn của nhà trường luôn được phụ huynh và nhân dân cùng các tổ chức xã hội tán thành và ủng hộ.
Trước hết, nhà trường phải chuyển chủ trương cấm bạo lực, nói bậy trong học sinh đến toàn thể phụ huynh học sinh, đến nhân dân, cán bộ, đoàn thể, cơ quan đóng trên địa bàn để mọi người nắm được và ủng hộ hoặc kết hợp cùng làm. Cần phát động phong trào ứng xử văn hóa trong học sinh, kích thích vào danh dự, lòng tự trọng ở từng em thông qua các cuộc sinh hoạt chuyên đề, thảo luận có tính chất ngoại khóa. Trong các sinh hoạt này có thể nêu ra một số tình huống cho các em hỏi - đáp để tìm ra cách ứng xử tối ưu, nêu gương cách ứng xử hay. Làm thế nào để ý thức ứng xử văn hóa, lòng tự trọng luôn thường trực ở trong đầu. Từ đấy mỗi em có một kế hoạch, có một cam kết trong việc nói không với bạo lực và nói tục chửi bậy. Khoanh vùng tìm ra những học sinh cá biệt. Số này không nhiều nhưng lại sinh lắm chuyện. Từ đấy phân công giáo viên, cán bộ lớp nghiên cứu tính nết bẩm sinh, gia đình, hoàn cảnh sống... của từng em để có biện pháp giáo dục thích hợp. Giáo viên phải bày cho phụ huynh những biện pháp cần thiết và luôn phải thống nhất với nhà trường.
Bạo lực là hậu quả nảy sinh từ mâu thuẫn, mà mâu thuẫn có thể lúc đầu là nhỏ nhưng do nhận thức lệch lạc, suy diễn thái quá hoặc bị bên ngoài kích động nên mâu thuẫn ngày một lớn, khó dung hòa. Muốn vậy giáo viên phải nắm được các mối quan hệ, tâm tư, tình cảm của những học sinh này. Chỉ cần giáo viên gần gũi, cởi mở với học sinh là có thể phát hiện được để có cách hóa giải, chấm dứt mâu thuẫn. Phải ngăn chặn việc học sinh mang hung khí đến trường hoặc tụ tập bè phái. Cứ sâu sát học sinh, chan hòa với các em là biết hết. Răn đe qua việc phổ biến pháp luật, qua việc kể những gương xấu bị pháp luật trừng trị, qua việc trao đổi, phân tích ở các buổi ngoại khóa... để học sinh thấy cái sai, cái hại của bạo lực, biết sợ và từ bỏ cũng là một cách.
Một trường học không có bạo lực là thêm một vùng sống lành mạnh. Bớt đi một câu chửi bậy nói tục là xã hội đã văn hóa hơn một chút. Vì thế, nhà trường cần kiên quyết nói không với bạo lực và nói tục chửi bậy.
VĂN DUY