Theo Lầu Năm Góc, 2 vụ thử tên lửa gần đây do Triều Tiên tiến hành nhằm kiểm tra một hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới chứ không nhằm mục đích phóng vệ tinh do thám.
Chủ tịch Kim Jong Un (trái) chỉ đạo các quan chức Triều Tiên khi đến thăm Trạm phóng vệ tinh Sohae - Ảnh: REUTERS
Triều Tiên đã thực hiện ba vụ thử ICBM, lần cuối cùng vào tháng 11.2017 là tên lửa Hwasong-15 - vốn được cho là đủ mạnh để vươn tới lãnh thổ chính của Mỹ.
Bình Nhưỡng đã tiến hành hàng loạt vụ phóng tên lửa trong 3 tháng đầu năm 2022, trong đó có 2 vụ diễn ra vào ngày 26.2 và ngày 4.3 mà theo truyền thông nước này là để kiểm tra hệ thống cho vệ tinh do thám.
Tuy nhiên theo phía Mỹ, hai vụ phóng trên thực chất là nhằm kiểm tra một hệ thống ICBM mới. Loại tên lửa này đã từng xuất hiện trong một cuộc duyệt binh của Triều Tiên vào tháng 10.2020.
Mặc dù vụ phóng không thể hiện các đặc tính thường thấy của ICBM, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, Triều Tiên "rõ ràng có ý định đánh giá hệ thống mới này trước khi tiến hành thử nghiệm ở phạm vi đầy đủ trong tương lai, có khả năng được ngụy trang thành một vụ phóng (vệ tinh) vào không gian".
Các vụ phóng ngày 26.2 và 4.3 được thực hiện từ Trạm phóng vệ tinh Sohae ở bờ biển phía tây bắc Triều Tiên.
Ngày 11.3, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm và ra lệnh mở rộng, hiện đại hóa cơ sở này. Theo hãng tin AFP, động thái làm dấy lên suy đoán một vụ thử nghiệm ICBM dưới vỏ bọc phóng vệ tinh sắp sửa diễn ra.
Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ công bố các biện pháp hạn chế mới trong ngày 11.3 nhằm ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận "các mặt hàng và công nghệ nước ngoài" có thể hỗ trợ chương trình ICBM.
Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định Washington "vẫn cam kết cách tiếp cận ngoại giao" nhưng "sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh" của Mỹ và đồng minh.
Hiện Triều Tiên chưa lên tiếng bình luận về các thông tin của Mỹ. Theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, Bình Nhưỡng bị cấm thử các loại ICBM.
Theo Tuổi trẻ