| Quang cảnh đổ nát ở biên giới Hàn Quốc sau khi bị Triều Tiên nã pháo |
| |
Quyết định khôn ngoan
Tổng thống Obama đã ra lệnh cho tàu chiến USS George Washington đến biển Hoàng Hải, ngoài khơi bờ biển Triều Tiên. Đây là nơi xảy ra vụ bắn đạn pháo của Triều Tiên vào một hòn đảo của Hàn Quốc vừa rồi. Biển Hoàng Hải nằm ở cửa ngõ của Trung Quốc và Bắc Kinh luôn khẳng định đó là khu vực lãnh hải riêng của nước này.
Bằng việc cử tàu sân bay USS George Washington đến tập trận chung với Hàn Quốc, Tổng thống Obama có nguy cơ sẽ phải đối mặt với một cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, các quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Mỹ không được đưa tàu chiến hay máy bay vào khu vực biển Hoàng Hải. Nước này thậm chí còn đe dọa trả đũa Mỹ bằng các biện pháp tài chính.
Trung Quốc “sẽ không chịu” để Mỹ khiêu khích hải quân như vậy. Thử tưởng tượng xem hậu quả sẽ ra sao nếu quốc gia nợ lớn nhất của Trung Quốc thách thức quốc gia chủ nợ,” Thiếu tướng Luo Yuan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã viết như vậy trong một bài xã luận hồi tháng 8.
Trên thực tế, Washington không nên xem nhẹ mối đe dọa về việc Trung Quốc sẽ bán tống bán tháo 750 tỉ USD tiền trái phiếu Mỹ mà nước này đang nắm giữ. Nền kinh tế Mỹ sẽ lao dốc nếu Trung Quốc ngừng đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống Obama, nguy cơ về một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới, và quan trọng hơn là nguy cơ về việc Triều Tiên xuất khẩu nhiên liệu cũng như công nghệ hạt nhân sang Trung Đông, có thể được xem là mối đe dọa lớn hơn.
Sau cuộc tấn công mới nhất vào Hàn Quốc của Triều Tiên, Mỹ buộc phải sử dụng chính sách ngoại giao cũ - ngoại giao "pháo hạm" (tức là chính sách ngoại giao dùng vũ lực) đồng thời gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng, nước này phải kiềm chế đồng minh cũng là nước láng giềng của họ.
Washington thực sự chẳng còn sự lựa chọn nào khác để thay đổi hành vi của Bình Nhưỡng ngoài việc yêu cầu Trung Quốc hành động. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có lần tạm thời cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu thiết yếu cho Triều Tiên sau khi nước này thực hiện các cuộc tấn công bạo lực vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần đây, Bắc Kinh có vẻ ưa chuộng sự im lặng, nhất là từ sau vụ một tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm hồi cuối tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đổ lỗi cho tàu ngầm Bình Nhưỡng đã bắn ngư lôi đánh chìm tàu của họ.
Mỹ, Trung sẽ chi phối thế giới bằng tiền hay sức mạnh quân sự?
Thậm chí khi Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi nhau về việc nên làm gì với Triều Tiên thì có một vấn đề lớn hơn đáng quan tâm: Đó là, liệu cuộc cạnh tranh của các cường quốc lớn trong thế kỷ 21 sẽ dựa trên ảnh hưởng kinh tế của một quốc gia hay là dựa trên sức mạnh quân sự - phương tiện truyền thống trong quá khứ?
Chắc chắn, Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho Hải quân của mình nhằm đối phó với lực lượng Hải quân vẫn đang rất mạnh của Mỹ ở Châu Á. Trung Quốc sẽ sớm có tên lửa có thể tấn công các tàu chiến của Mỹ. Và những con tàu của Trung Quốc gần đây đã nhiều lần dọa nạt các quốc gia Châu Á khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể sử dụng sức mạnh thị trường khổng lồ gồm 1,3 tỉ dân và ngành công nghiệp xuất khẩu mạnh mẽ của mình để giành bạn bè và quấy rầy các đối thủ. Bắc Kinh đã từng sử dụng các khoản đầu tư và thỏa thuận thương mại lớn theo những cách chiến lược. Và trong cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây với Nhật Bản, Bắc Kinh thậm chí còn cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm cần thiết cho các ngành công nghệ cao của Nhật Bản.
Trung Quốc bây giờ thậm chí còn cảm thấy mạnh hơn khi nền kinh tế Mỹ vẫn trì trệ và người tiêu dùng Mỹ có ít ưu thế với tư cách là người mua hàng xuất khẩu của các nước khác. Nền kinh tế Trung Quốc gần đây đã vượt qua Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong thời điểm này, Bắc Kinh đang chăm chú chờ đợi khi Tổng thống Obama cố gắng cắt giảm chi tiêu quốc phòng.
Động thái “dùng cây gậy lớn” của Tổng thống Obama với Trung Quốc có thể sẽ chỉ kết thúc bằng việc nhấn mạnh thêm thực tế rằng Mỹ đang mất khả năng dùng chính sách “ngoại giao đô la” hay nền kinh tế lớn của mình để tạo ra các xu hướng trên toàn cầu. Việc ông Obama chần chừ không trừng phạt hành động trắng trợn thao túng tiền tệ của Trung Quốc là một ví dụ cho thấy sự yếu ớt của Mỹ trong việc tránh sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nền kinh tế của nước này.
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên mới đây có thể là thời điểm quyết định cho hai cường quốc Mỹ và Trung. Hai nước này đang cạnh tranh nhau quyền lực và ảnh hưởng. Cả hai đều chưa hoàn toàn chắc chắn về việc tiền hay súng sẽ giúp họ chi phối tương lai.
Cũng như họ đã từng làm trong các cuộc khủng hoảng trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung cần phải tổ chức các cuộc hội đàm riêng rẽ kéo dài và đưa ra biện pháp để tránh hoặc là xung đột tài chính hoặc là xung đột quân sự. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có quá nhiều lợi ích để hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh nhau. Và họ sẽ không để Triều Tiên phá hỏng mối quan hệ đối tác hiệu quả của mình. (Nguồn: VnMedia)
|