“Bê bối” Đan Mạch giúp Mỹ theo dõi các chính trị gia châu Âu được cho chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” và thực tế còn “đáng sợ hơn nhiều” so với những gì bị phơi bày trên mặt báo.
“Bê bối” Đan Mạch giúp Mỹ theo dõi các chính trị gia châu Âu
Truyền thông Đan Mạch và châu Âu ngày 30.5 đồng loạt đưa tin, từ năm 2012 đến năm 2014, với sự trợ giúp của cơ quan tình báo quân sự Đan Mạch (Forsvarets Efterretningstjeneste - FE), Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency - NSA) đã do thám nhiều lãnh đạo chính trị cấp cao ở châu Âu. Việc tình báo Mỹ theo dõi hàng nghìn mục tiêu ở châu Âu suốt nhiều năm đã làm dư luận thế giới sốc nặng, gây nghi ngại cho các đồng minh cũng như khiến Washington phải đối mặt với vô số chỉ trích.
Theo Đài phát thanh nhà nước Đan Mạch (Danmarks Radio - DR), NSA đã lợi dụng sự hợp tác tình báo với FE để thực hiện do thám, bao gồm việc truy cập vào các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập Internet, chủ đề tìm kiếm, nội dung chat và các dịch vụ nhắn tin của quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp, trong đó có cả thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu ứng viên cho chức thủ tướng Đức hồi năm 2013 của đảng trung tả SPD Peer Steinbrück và tổng thống đương nhiệm Frank-Walter Steinmeier.
Lấy thông tin từ 9 nguồn có quyền tiếp cận tin tình báo FE, một số nguồn tin độc lập đã giúp xác nhận, DR đã công bố thông tin trên sau một cuộc điều tra phối hợp với kênh truyền thông SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), báo Le Monde (Pháp) cùng các kênh NDR, WDR và báo SZ của Đức. Cũng theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen, người nhậm chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng quốc gia Bắc Âu từ tháng 6.2019, đã được thông báo về hoạt động này từ tháng 8.2020. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển và Na Uy đều coi sự việc là nghiêm trọng và yêu cầu đồng nhiệm Đan Mạch giải thích.
Trả lời trên truyền hình Đức WDR, Peer Steinbrück gọi đây là vụ “bê bối” nhưng cũng không tỏ ngạc nhiên về sự việc được phát giác. Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Beaune nói, “đó là một điều cực kỳ nghiêm trọng, chúng tôi phải xác minh xem các đối tác EU, Đan Mạch, có phạm lỗi hoặc sai lầm trong việc hợp tác với các cơ quan của Mỹ hay không… Và sau đó về phía Mỹ, xem họ có thực sự nghe lén, theo dõi các chính trị gia hay không”.
“Nếu thông tin đó là thật, những hành vi này là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và càng không được chấp nhận giữa các đồng minh và đối tác châu Âu” - Tổng thống Pháp Macron tuyên bố hôm 31.5. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Merkel cũng đồng ý với tuyên bố của Macron, khẳng định “việc nghe lén giữa các đồng minh là không thể chấp nhận được”. Hôm 1.6, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác Châu Âu để giải thích mọi vấn đề liên quan việc tình báo Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén.
Edward Snowden, “kẻ đào tẩu” từng tiết lộ thông tin chấn động về NSA thời điểm Joe Biden là Phó Tổng thống Mỹ, cho rằng Biden cần phải sẵn sàng trả lời những câu hỏi liên quan đến hoạt động này trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu sắp tới. Hiện Washington và Brussels đang đàm phán một thỏa thuận dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mới mà trước đó đã bị Tòa Tối cao của EU hủy bỏ do lo ngại gián điệp của phía Mỹ. Ngày 11.6 tới, trong cuộc họp G7 tại Cornwall, Anh, Biden - với tư cách Tổng thống, sẽ phải tìm cách trấn an người châu Âu. Thời điểm công bố báo cáo của DR gây thêm khó khăn cho Tổng thống Mỹ.
Đan Mạch đồng lõa
Le Figaro ngày 30.5 trích dẫn kết luận điều tra của DR, theo đó NSA Mỹ đã kết nối vào đường cáp viễn thông dưới biển của Đan Mạch để theo dõi các quan chức cấp cao ở Đức, ở Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp, thông qua việc truy cập vào các tin nhắn, cuộc gọi điện thoại và việc truy cập internet của người bị theo dõi, trong đó có cả các dịch vụ tìm kiếm, trò chuyện, nhắn tin. Nắm được số điện thoại của các lãnh đạo, chính trị gia châu Âu, NSA hoàn toàn có thể truy cập nội dung tin nhắn văn bản, những cuộc điện đàm và truy cập Internet mà người bị nghe lén không hề hay biết.
Mặc dù bê bối nghe lén của NSA bị phanh phui từ năm 2013 nhưng mãi tới gần đây các phóng viên mới tiếp cận được các tài liệu. Theo báo Süddeutsche Zeitung, năm 2015, Chính phủ Đan Mạch đã biết về vai trò của cơ quan tình báo nước này trong bê bối của NSA. Song, mãi tới năm 2020, họ mới buộc toàn bộ các lãnh đạo của FE từ chức sau khi phát hiện ra mức độ hợp tác tình báo giữa hai bên. Bốn cán bộ tình báo được bí mật tập hợp nghiên cứu các số điện thoại, địa chỉ e-mail mà Cơ Quan An Ninh Mỹ quan tâm theo dõi từ hệ thống dữ liệu thông tin của Đan Mạch.
Hoạt động gián điệp của NSA đã được đề cập trong một báo cáo nội bộ của một cơ quan của Đan Mạch có mật danh “Chiến dịch Dunhammer” và được trình lên lãnh đạo hồi tháng 5.2015. Cơ quan này bắt đầu điều tra vào năm 2013 sau tiết lộ hàng nghìn tài liệu mật cho thấy Mỹ đã theo dõi trên diện rộng sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 gây rung động của Edward Snowden về các hoạt động nghe lén của NSA.
Tháng 11.2020, cũng chính DR tiết lộ tình báo Mỹ đã xâm nhập vào các đường dây cáp viễn thông dưới biển của Đan Mạch để do thám ngành công nghiệp quốc phòng của Đan Mạch và các nước châu Âu từ năm 2012 đến năm 2015. FE cũng giúp cơ quan tình báo Mỹ thu thập thông tin về Bộ ngoại giao, Bộ tài chính và một nhà sản xuất vũ khí của Đan Mạch, đồng thời cộng tác với NSA để do thám các hoạt động chống lại Washington.
Yếu huyệt trong kỷ nguyên 4.0
Đáy đại dương rất giàu tài nguyên khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ…, với những bí ẩn vô danh, biên giới không được kiểm soát, các quy định của thế giới cũng không được áp dụng… Đáy biển sâu thăm thẳm cũng là nơi đặt các đường dây cáp viễn thông của thế giới, truyền tải hơn 95% dữ liệu lưu lượng đàm thoại xuyên lục địa. Tính đến đầu năm 2020, có khoảng 406 tuyến với hơn 1,2 triệu km cáp ngầm đang được sử dụng trên toàn cầu. Khó biết chính xác lưu lượng truy cập quốc tế được thực hiện qua vệ tinh, nhưng theo thống kê do Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, lưu lượng dữ liệu quốc tế truyền qua vệ tinh chỉ chiếm 0,37% tổng dung lượng quốc tế của Mỹ.
Theo TeleGeography, ngày nay, hơn 99% thông tin liên lạc quốc tế được thực hiện qua cáp quang, hầu hết là dưới biển, bao gồm các giao dịch tài chính, email, mạng xã hội và cả liên lạc quân sự. Theo tài liệu do Snowden cung cấp, trong năm 2012, Trụ sở Truyền thông Chính phủ (Government Communications Headquarters - GCHQ) của Anh đã xử lý 600 triệu “cú điện thoại” mỗi ngày thông qua hơn 200 đường cáp quang. Ngày nay, “chiến tranh dưới đáy biển” đã được mở rộng, bao gồm các cáp internet đi qua các đại dương.
Theo báo chí Mỹ, mục tiêu hiện đại của tàu ngầm và người nhái có thể là cáp quang dưới biển. Ngoài việc cáp quang có thể bị tấn công bằng mìn limpet, vật liệu nổ nhỏ hoặc thiết bị cắt, nó còn có thể bị các cơ quan mật vụ nghe trộm. Điển hình là vụ Mỹ nghe trộm trong 10 năm các cuộc liên lạc giữa Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) ở Kamchatka và Sở chỉ huy Hạm đội ở Vladivostok qua cáp được đặt dưới đáy biển Okhotsk trong chiến dịch bí mật mang mật danh “Ivy Bells” (“Hoa thường xuân”).
Trong khi mọi người có xu hướng coi vệ tinh và tháp di động là trái tim của internet, thành phần quan trọng nhất là hàng trăm dây cáp chìm mang hơn 95% tổng dữ liệu và lưu lượng đàm thoại giữa các lục địa. Sự phụ thuộc của Mỹ và phương Tây vào cáp internet dưới biển - hệ quả của cả địa lý và sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số quốc tế - được cho là một lỗ hổng chiến lược.
“Phần nổi của tảng băng trôi”
Trong lĩnh vực tình báo, người ta vẫn thường nói làm gì có tình bạn. Những phát giác trên một lần nữa phơi ra các quan hệ đối tác giữa các cơ quan tình báo của các nước. Quan hệ giữa NSA và FE Đan Mạch đã được tăng cường cách đây hơn chục năm với việc triển khai tại quốc gia Bắc Âu này một hệ thống chặn dữ liệu thông tin khối lượng lớn qua mạng cáp thông tin dưới biển Baltic.
Từ tiết lộ của Snowden, người ta biết cơ quan mật vụ Mỹ NSA đã đề xuất nhiều thỏa thuận kiểu như vậy với những đối tác thứ ba: phía Mỹ hỗ trợ kiến thức công nghệ và hậu cần để lắp đặt cơ sở nghe trộm ở nước đối tác. Việc sử dụng các thông tin sẽ được chia sẻ, NSA có thể sử dụng các cơ sở đó để tìm kiếm các luồng thông tin mà họ muốn theo dõi. Năm 2010, theo một tài liệu được Edwward Snowden tiết lộ, NSA duy trì 5 đối tác như vậy.
Có thể nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng Mỹ đã chọn Đan Mạch là căn cứ để do thám các đồng minh châu Âu và FE đã đồng ý hợp tác với NSA, tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên - FE đã bị săm soi kể từ mùa xuân năm 2020 về việc cho phép NSA nghe lén cả một số nhân vật nổi tiếng Đan Mạch. “Đạn Mạch trở thành một dạng thành viên không chính thức và thực tế của “Ngũ Nhãn” (liên minh tình báo gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Australia)”, tuần báo Đan Mạch Weekendavisen bình luận.
Sự hợp tác giữa Đan Mạch và Mỹ có từ đầu thập niên 1990. Copenhagen nhận ra Đan Mạch ngồi trên mỏ vàng do thám - các dây cáp ngầm chuyển tải những cuộc liên lạc điện tử giữa Âu-Mỹ chạy qua lãnh hải của mình. FE đã thành công trong việc khai thác những đường cáp đó và tìm đến giới tình báo Mỹ để tận dụng. Vào cuối thập niên 2000, khi NSA xem xét lập một trung tâm dữ liệu ở Bắc Âu để xử lý những thông tin NSA thu thập ở lục địa này, Đan Mạch dường như mặc nhiên được chọn. Với sự hỗ trợ của Mỹ, FE đã xây dựng một trung tâm xử lý dữ liệu lớn trên đảo Amager, nằm ở phía đông Copenhagen, cho phép các cơ quan tình báo của hai bên giám sát các cuộc liên lạc được phía Mỹ quan tâm.
Washington coi trọng Đan Mạch hơn trước vì vị trí chiến lược của nước này ở biển Bắc, không cách xa Bắc Băng Dương, và được đánh giá có thể trở nên quan trọng hơn trong những năm tới. Sự hợp tác giữa Mỹ và Đan Mạch cho phép Đan Mạch có được thông tin tình báo từ Mỹ tốt hơn so với Đức. Tuy nhiên, những tiết lộ về việc tình báo Đan Mạch hỗ trợ NSA do thám sẽ gây ra tác động tiêu cực cho hình ảnh của Đan Mạch và có thể khiến cho các mối quan hệ giữa nước này với những nước còn lại trong EU không còn được suôn sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên NSA bị tố cáo đã theo dõi các lãnh đạo những nước đồng minh. Năm 2013, trên cơ sở các tài liệu Snowden cung cấp, báo chí đã phát hiện Thủ tướng Merkel bị Đại sứ quán Mỹ tại Berlin nghe trộm điện thoại. Các cáo buộc gián điệp mới nhất được đưa ra nhiều năm sau khi trang Wikileaks tiết lộ Mỹ đã nghe trộm điện thoại các nhà lãnh đạo thế giới (Thủ tướng Merkel, Shinzo Abe, Tổng thống Francois Hollande…), chiến dịch gián điệp kinh tế của Mỹ đã trải rộng đến Đức, các tổ chức chủ chốt và các vấn đề châu Âu như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp...
Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng trên thực tế, việc Mỹ bí mật theo dõi các lãnh đạo châu Âu nghiêm trọng hơn những gì báo chí tiết lộ, nhận định rằng “đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi (the tip of iceberg) và tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với bản thân các nước thành viên NATO”. Nhận thấy truyền thông châu Âu “hiếm khi đưa tin” về vấn đề này, người phát ngôn Nga cho rằng, các nước EU và NATO đã cố tình tránh nhắc tới chuyện bị tình báo Mỹ bí mật theo dõi, cảnh báo thực tế còn “đáng sợ hơn nhiều” so với những gì bị phơi bày trên mặt báo. Bà cáo buộc Mỹ đã “bẻ cong mọi luật lệ” khi tự cho phép mình không bị ràng buộc pháp lý quốc tế và rằng Washington “đang giám sát mọi người và mọi thứ”.
Theo VOV