Dù chính quyền mới do ông Joe Biden hay ông Donald Trump lãnh đạo, với nền móng đã xây dựng vững chắc, Mỹ vẫn thể hiện cam kết với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien (giữa màn hình bên trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) tham dự Hội nghị ASEAN - Mỹ trực tuyến ngày 14.11. Ảnh: Reuters
Hôm 14.11, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đại diện Mỹ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 là cố vấn an ninh Robert C. O’Brien.
Không thể sớm có COC cho Biển Đông
Việc ông O’Brien họp với ASEAN thay vì Tổng thống Donald Trump hay Ngoại trưởng Mike Pompeo là điều không ngạc nhiên. Hiện nay chính quyền Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử năm 2020 và kết quả bầu cử chưa chính thức được công bố.
Tình trạng "chờ" ở vị trí lãnh đạo Mỹ đã góp phần khiến chính quyền đương nhiệm chọn cách tiếp cận tương đối chừng mực ở ASEAN 37. Không có những phát biểu mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc như tại các diễn đàn đa phương trước đây, Washington lần này chủ yếu tập trung vào hợp tác với ASEAN.
Thực tế trong thông điệp ngày 11.11, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo có nhắc tới sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như "sự đe dọa" của Bắc Kinh tới sự lựa chọn của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, hàm lượng chỉ trích Trung Quốc ít hơn thường lệ, thay vào đó là việc tái khẳng định Mỹ ủng hộ ASEAN trong vai trò trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trường hợp của Mỹ phản ánh bức tranh chung về những trở ngại trong việc triển khai các chương trình nghị sự của ASEAN năm nay, bao gồm việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) khiến câu chuyện y tế và hồi phục kinh tế trở thành tâm điểm.
Trong khi đó, những thay đổi hoặc dự kiến thay đổi trong chính quyền của các nước như Nhật Bản và Mỹ cũng khiến ASEAN cần có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận. Kết quả là bộ quy tắc COC cho Biển Đông, một vấn đề an ninh quan trọng hàng đầu trong khu vực, tiếp tục không tìm thấy tiến triển đáng kể.
Nền tảng cho tương lai
Trở ngại ít nhiều của các chương trình nghị sự quan trọng như trên, dù vậy, không hẳn đồng nghĩa việc các mối quan hệ hợp tác tổng quan bị trì trệ. Trên thực tế, thành công của ASEAN 37 lần này là việc các bên tái khẳng định cam kết và đường hướng hợp tác trong tương lai.
Tại cuộc họp với ASEAN ngày 14.11, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien khẳng định việc ASEAN xây dựng thành công cộng đồng và đóng vai trò trung tâm của khu vực là phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Ông O’Brien cho biết Mỹ đặc biệt quan tâm tới hợp tác khoa học, giáo dục, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức y tế và khả năng tự cường của các nước.
Ông tái khẳng định cam kết của Mỹ về xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi, như phản ánh trong tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Ông cũng nhấn mạnh việc Tập đoàn Tài chính phát triển Mỹ (DFC) đang triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng tại khu vực sau khi đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào Đông Nam Á.
Trong khi đó, chia sẻ ý kiến của các nước tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận Mỹ là đối tác kinh tế và đối tác phát triển quan trọng của ASEAN, là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 292 tỉ USD trong năm 2019, đồng thời là nhà đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn hơn 330 tỉ USD.
Có thể thấy, về cơ bản mối quan hệ hợp tác của Mỹ và ASEAN đã ghi nhận những bước tiến vững chắc, xây dựng cam kết hỗ trợ đầu tư vốn dĩ có giá trị nền tảng cho sự phát triển dài hạn, bất kể sự thay đổi đã và có thể xảy ra trong chính quyền các nước.
Minh chứng là tại cuộc họp ASEAN - Mỹ, các lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hơn 4.200 nhà đầu tư và kinh doanh của Mỹ, trong đó có 350 doanh nghiệp hàng đầu Mỹ tại khu vực.
Mỹ, Nhật tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc? Trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN 37 là hợp tác về COVID-19 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tôi cho rằng Việt Nam sẽ tìm phương án khẳng định tiến trình COC đã được thúc đẩy và chuyển vấn đề này sang nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Brunei năm sau. Tuy vậy, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hay chính quyền mới của Mỹ cũng sẽ tiếp tục hầu hết các chính sách của hai nước này đối với Việt Nam và Biển Đông, vốn đã được triển khai những năm gần đây. Đảng Dân chủ ở Washington trở nên rất cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ông Biden (nếu đắc cử), cũng sẽ phối hợp hiệu quả hơn nhiều với các đồng minh như châu Âu và sẽ có uy tín lớn hơn khi bảo vệ luật pháp quốc tế trước Trung Quốc. Hai điều này sẽ dẫn tới một chiến lược hiệu quả hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc. Ông Gregory Poling Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải - AMTI, CSIS |
Theo Tuổi trẻ