Ngày 22.6 chính quyền Mỹ công bố bắt đầu đối xử với 4 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như những đại sứ quán của nước ngoài, cáo buộc họ là những 'cơ quan tuyên truyền' của Bắc Kinh.
Một người đang đọc tờ China Daily. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo hãng tin Reuters, ông David Stilwell, nhà ngoại giao cao cấp phụ trách khu vực Đông Á, cho biết 4 đơn vị báo chí của Trung Quốc mới sẽ bị siết chặt thêm những quy định quản lý giống như với các phái bộ ngoại giao nước ngoài tại Mỹ gồm Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (China Central Television - CCTV), Dịch vụ tin tức Trung Quốc (China News Service, hãng thông tấn nhà nước lớn thứ hai tại Trung Quốc sau Tân Hoa Xã); Nhân dân Nhật báo (People's Daily) và Thời báo Hoàn cầu (Global Times).
"Bốn thực thể này không phải các cơ quan truyền thông, họ là các cơ quan tuyên truyền", ông David Stilwell tuyên bố trước báo giới. Ông từ chối trả lời câu hỏi liệu 4 đơn vị này có bị yêu cầu giảm bớt số nhân sự tại Mỹ hay không. Việc này đã từng diễn ra với 5 cơ quan báo chí bị gắn nhãn phái bộ nước ngoài trước đó của Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi yêu cầu của Reuters về động thái này.
Việc Mỹ tiếp tục siết chặt quản lý hơn với hoạt động của các cơ quan truyền thông báo chí Trung Quốc hoạt động tại Mỹ chắc chắn sẽ làm mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.
Trong tháng 2 Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ đối xử với 5 cơ quan báo chí khác của Trung Quốc như những đại sứ quán nước ngoài.
Đó là hãng tin Tân Hoa xã, Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio International - CRI) và các nhà phát hành hai báo Nhân dân Nhật báo (People's Daily) và China Daily bản tiếng Anh tại Mỹ.
Điều này có nghĩa các cơ quan đó sẽ phải báo cáo với Bộ ngoại giao Mỹ mọi thông tin chi tiết liên quan tới đội ngũ nhân sự làm việc tại Mỹ và các giao dịch liên quan tới bất động sản của họ.
Theo Tuổi trẻ