Ngày 16.12, Chính phủ Mỹ thông báo đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 2 bộ trưởng đương nhiệm của Nam Sudan, với lý do các quan chức này "cản trở các nỗ lực hòa giải" ở quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp đặt trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Kuol Manyang Juuk và Bộ trưởng Nội vụ Martin Elia Lomuro của Nam Sudan, theo đó các nhân vật này bị cấm đến Mỹ và bất cứ tài sản nào mà họ có ở Mỹ đều bị phong tỏa.
Lệnh trừng phạt trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chỉ trích các bên liên quan tại Nam Sudan không nghiêm túc triển khai thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến đã khiến gần 400.000 người thiệt mạng.
Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12.2013 giữa các lực lượng trung thành với Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar. Theo thỏa thuận hòa bình ký tháng 9/2018, hai bên nhất trí thành lập một chính phủ chuyển tiếp vào tháng 8.2019.
Thời hạn này đã được gia hạn 2 lần, cho phép các bên có thêm 100 ngày để chuẩn bị. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng trong 30 ngày gần đây không ghi nhận bất cứ động thái cụ thể nào của Nam Sudan để thành lập chính phủ thống nhất và thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình.
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ trưởng Nội vụ Nam Sudan Lomuro "chịu trách nhiệm tuyển dụng và tổ chức các nhóm dân quân tiến hành các cuộc tấn công các lực lượng đối lập" trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Juuk "thất bại trong việc giải giáp các lực lượng quân sự như đã thỏa thuận, gây ra tình trạng xung đột giữa các bộ lạc".
Chính quyền Nam Sudan đã chỉ trích động thái trên của Mỹ. Ông Ateny Wek, phát ngôn viên của Tổng thống Nam Sudan nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hai bộ trưởng khiến tình hình trở nên phức tạp, đồng thời khẳng định ông Lomuro đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực hòa bình tại Nam Sudan.
Theo TTXVN