Mưu sinh những ngày áp Tết

30/01/2022 09:00

Nhiều lao động tự do đang chạy đua với thời gian, nhọc nhằn mưu sinh trên từng con phố, mong có thêm thu nhập để gia đình có một cái Tết tươm tất hơn.


Những ngày cận Tết cho thu nhập khá nên anh Lê Huy Vũ (30 tuổi) quê Thanh Hoá cố gắng làm đến 29 Tết

27 Tết, đi dọc các quán cà phê, nhà hàng ở TP Hải Dương, không khó để bắt gặp những người đánh giầy thuê. Tại một góc nhỏ trên đường Đỗ Ngọc Du, chàng trai quê Thanh Hoá Lê Huy Vũ (30 tuổi) vẫn cặm cụi với những đôi giầy.

Theo anh Vũ, chỉ tính riêng đội đánh giầy ở khu vực phường Thanh Bình có trên chục người đều xa quê như anh. Mưu sinh ở TP Hải Dương từ năm 2019 nhưng 2 năm vừa qua dịch Covid-19 làm thu nhập của anh giảm 30-40%.

Bố mẹ đã già yếu, vợ anh Vũ ở Thanh Hoá làm nông nghiệp nên anh là trụ cột kinh tế của cả nhà. Trừ tiền thuê nhà trọ, sinh hoạt, mỗi tháng anh đều dành dụm, tiết kiệm được khoảng 6-7 triệu đồng gửi về quê.


Bà Tăng Thị Sánh (58 tuổi) ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) cũng cần mẫn làm việc để kiếm từng đồng lẻ

Dịp Tết, anh Vũ tăng giá đánh giầy từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/đôi, mỗi ngày cố gắng cũng thu được 800.000-1 triệu đồng. "Cả năm có mấy ngày Tết để tăng thu nhập nên phải cố gắng. Tôi định 29 Tết sẽ đi xe máy về quê. Trên đường đi hoặc về nhà sẽ sắm Tết", anh Vũ nói.

Chiều tối 27 Tết, khi nhiều nhà đã chuẩn bị quây quần bên mâm cơm ấm cúng thì ở góc phố Thống Nhất, bà Tăng Thị Sánh (58 tuổi) quê ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) vẫn cặm cụi với đống rác để mong tìm kiếm chút phế liệu.

Mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu hơn 10 năm nay, Tết năm nào bà Sánh cũng cần mẫn làm việc đến ngày cuối cùng của năm. Bà Sánh cho biết vợ chồng bà có 4 người con nhưng gần như các con không hỗ trợ được gì.


Những người làm nghề chở hàng thuê cũng có thu nhập khá trong những ngày gần Tết. Với giá chở thuê thấp nhất 100.000 đồng/chuyến, mỗi ngày họ có thu nhập khoảng 1-2 triệu đồng

Bà Sánh kể đã nhiều Tết rồi vợ chồng bà không mua đào, quất để trưng bày. Bà chỉ cố gắng lo sắm sửa bàn thờ đầy đủ để thờ cúng tổ tiên, mua chút bánh kẹo và dành dụm chút tiền để cháu về chơi còn mừng tuổi.

"Những ngày giáp Tết người ta đi mua bán nhiều và dọn dẹp nhà cửa nên sẽ có nhiều phế liệu hơn. Vì vậy những người làm nghề ve chai như tôi phải cố gắng hơn ngày thường để tăng thu nhập", bà Sánh chia sẻ.

Ngoài anh Vũ, bà Sánh, còn rất nhiều lao động tự do ở các vùng quê cũng đang bám trụ mưu sinh trong lòng thành phố. Họ là những người bán hàng rong, bán hàng nông sản, cửu vạn, bán vé số, chở hàng thuê...

Tết với nhiều người là thời gian đoàn tụ bên gia đình, trang hoàng nhà cửa, cùng người thân đi mua sắm. Nhưng bên cạnh những ngôi nhà ấm áp ánh đèn, ngoài kia vẫn còn những người vất vả mưu sinh mong kiếm thêm thu nhập để có một cái Tết đủ đầy.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh những ngày áp Tết