Quy định mới trong Nghị định 90 sẽ khiến việc bình xét, xếp loại lao động cuối năm thực chất hơn, công bằng hơn.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang chuẩn bị tổ chức bình xét lao động cuối năm. Theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 20.8.2020) thì việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) năm nay có nhiều điểm mới. Nổi bật là việc bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học... khi đánh giá, xếp loại CBCCVC ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong thực tế những năm trước, thường chỉ ở các doanh nghiệp, đơn vị thuộc khối kinh doanh, kỹ thuật thì CBCCVC, thậm chí nhiều người là công nhân hay có những sáng kiến, giải pháp làm lợi cho đơn vị. Những sáng kiến, giải pháp xuất phát trong quá trình lao động trực tiếp nên rất có giá trị. Nhiều sáng kiến thay thế những thiết bị nhập khẩu đắt tiền bằng những thiết bị sẵn có trong nước, có những sáng kiến góp phần đẩy mạnh tự động hóa, giảm sức lao động… Nhiều giải pháp, sáng kiến có giá trị làm lợi cả tỷ đồng mỗi năm cho đơn vị.
Nhưng ở không ít cơ quan, nhất là những đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp thì số CBCCVC có sáng kiến, giải pháp rất ít. Một số CBCCVC luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhưng chất lượng chỉ đều đều, không có gì nổi trội, không có sáng kiến, giải pháp nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Trong khi có những người có sáng kiến, giải pháp đóng góp cho cơ quan, đơn vị nhưng một số thời điểm chất lượng công việc còn hạn chế. Do vậy, khi bình xét, xếp loại lao động cuối năm, có người có sáng kiến, giải pháp thì lại không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Vì vậy mới có chuyện để bảo đảm thành tích của tập thể phòng nói riêng, cơ quan, đơn vị nói chung, một số phòng, cơ quan ngầm cho phép CBCCVC mượn giải pháp, sáng kiến của nhau. Người bị mượn sáng kiến, giải pháp có khi cũng chẳng vui đâu, nhưng từ chối thì ảnh hưởng tới thành tích chung và sợ mất lòng lãnh đạo, đồng nghiệp nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Có nơi, sáng kiến, giải pháp là của chính chủ nhưng được sao chép từ năm này sang năm khác. Các thành viên Hội đồng Sáng kiến của cơ quan, đơn vị cũng "mắt nhắm, mắt mở" cho qua. Việc CBCCVC có thể mượn sáng kiến, giải pháp của người khác hoặc sao chép lại sáng kiến, giải pháp cũ mà vẫn được bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khiến cho nhiều CBCCVC cảm thấy mất đi động lực phấn đấu, nhất là những người bị mượn sáng kiến, giải pháp.
Quy định mới trong Nghị định 90 sẽ khiến việc bình xét, xếp loại lao động cuối năm thực chất hơn, công bằng hơn. Chắc chắn quy định này sẽ nhận được sự đồng tình của đại đa số CBCCVC.
Tuy vậy, theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2003, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân là “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” và phải có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác được cơ sở công nhận. Do đó, tình trạng mượn sáng kiến chắc cũng vẫn còn tồn tại.
KIM THANH