Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay

19/07/2016 09:08

"Kỳ ngộ lương duyên" là vở chèo dựa theo truyện cổ dân gian “Anh hàng dầu” của cố nghệ sĩ Trần Đình Văn, đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Đoàn Vinh.



Cảnh Bạch Liên chạy trốn khỏi lầu xanh song bị tay chân của Vương bà bắt lại


Đây là tiết mục Nhà hát Chèo Hải Dương vừa dàn dựng xong và sẽ tham dự cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tới tại Ninh Bình.

"Kỳ ngộ lương duyên" là câu chuyện về sự tiết hạnh, thủy chung, lòng trung nghĩa vì non sông đất nước, lên án sự tham tàn, phản bội, khẳng định cái xấu sẽ bị tiêu diệt, tạo cho con người niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Vở chèo kể về cuộc đời chìm nổi của Bạch Liên, một thôn nữ bị kẻ xấu lừa bán vào lầu xanh Vương bà. Tại đây, Bạch Liên lại bị tên quan Đô đốc Lê Bội có ý đồ chiếm đoạt, song nàng kiên quyết cự tuyệt. Bi kịch liên tiếp giáng xuống khiến Bạch Liên tuyệt vọng bỏ trốn và tìm đến cái chết để giữ gìn danh tiết.

Bạch Liên được Nguyễn Quân, một khóa sinh bán dầu cứu. Cuộc gặp gỡ bất ngờ đem đến mối "Kỳ ngộ lương duyên" đúng như tên gọi của vở diễn. Nguyễn Quân mặc dù phải bỏ xứ kiếm sống song vẫn chuyên tâm đèn sách mong một ngày mang tài trí giúp nước. Thấu hiểu cảnh ngộ của Bạch Liên, Nguyễn Quân đã nguyện cùng nàng kết tóc trăm năm. Chàng đưa Bạch Liên bỏ trốn nhưng bị tay chân của Vương bà bắt được và đánh đập. Còn Bạch Liên bị đưa về lầu xanh, hành hạ trăm bề khổ cực.

Kịch tính vở diễn được đẩy lên cao khi Nguyễn Quân tìm đến vùng biên ải xin đầu quân đánh giặc mong lập công để cứu Bạch Liên khỏi chốn lầu xanh. Thế nhưng chàng bị Đô đốc Lê Bội khinh rẻ đuổi đi. Không nản chí, Nguyễn Quân vẫn ngày đêm dùi mài kinh sách, hy vọng một ngày sẽ gặp chủ tướng. Trong một lần mải nghiên cứu binh thư, Nguyễn Quân đã mạo phạm đến quân triều đình. Trước mặt quan Thái úy, Nguyễn Quân khẳng khái bày tỏ ý nguyện cứu nước, hiến kế sách hay cự giặc và được Thái úy trọng dụng.

Về phía Lê Bội, sau khi ép Bạch Liên không được, y đã đem nàng dâng cho tướng giặc cùng tấm địa đồ mật bố trí quân doanh. Nguyễn Quân nhận ra âm mưu bán nước của Lê Bội nên đã xin Thái úy cử người theo dõi. Còn Bạch Liên trên đường sang trại giặc, trước nguy cơ bị hai tên lính Phụ, Phù làm nhục, Bạch Liên mưu trí lừa chúng uống rượu say, lấy tấm mật đồ trốn thoát và được Nguyễn Quân cứu. Nàng kể lại âm mưu bán nước của Lê Bội và dâng lên Thái úy bức mật đồ. Nguyễn Quân xin với Thái úy cho mình cùng Bạch Liên đóng giả là người của Lê Bội mang mật đồ đến trại giặc để tương kế tựu kế làm nội ứng phá giặc.

Câu chuyện kết thúc có hậu khi Nguyễn Quân và Bạch Liên đoàn tụ sau bao sóng gió, lập công lớn với đất nước, được quan Thái úy yêu mến nhận làm nghĩa tử. Lê Bội cùng Vương bà bị xử tội.

"Kỳ ngộ lương duyên" là vở diễn nhuần nhụy chất chèo. 120 phút của vở diễn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Trang phục, cảnh trí trong "Kỳ ngộ lương duyên" được đầu tư công phu. Kíp diễn viên lần này cũng là những nghệ sĩ mới, trẻ, lần đầu được thử sức với các vai lớn: nghệ sĩ Thanh Hương vai Bạch Liên, Đức Thiện vai Nguyễn Quân, Hạnh Bảy vai Vương bà… nhưng diễn xuất tự tin, có chất riêng. Đây cũng là vở diễn được đơn vị huy động đông diễn viên với gần 50 người. Tuy vậy, “Kỳ ngộ lương duyên” chưa vượt qua được các vở chèo đỉnh cao do Nhà hát Chèo Hải Dương từng dàn dựng từng gây tiếng vang như “Chuông ngân rừng trúc”, “Huyền Quang tôn giả”… Chất hề chèo trong vở còn khá mờ nhạt, kịch tính chưa được đẩy cao.

Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thái nhận xét: Đây là vở chèo có chủ đề tốt, đậm hơi hướng thời hiện đại. Vở diễn mượn chuyện xưa để phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn, sự gian tham đang trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đồng thời, cũng chỉ rõ trách nhiệm của mỗi công dân với việc cống hiến tài trí bảo vệ non sông đất nước. Phần âm nhạc của vở diễn ấn tượng, góp phần diễn tả tâm trạng, hành động nhân vật, tạo nên không khí, tiết tấu, tốc độ và hỗ trợ hiệu quả cho diễn xuất. Tuy nhiên, để vở diễn thành công hơn cần đẩy nhanh kịch tính, siết lại các lớp gọn gàng.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay