Cuộc đời con người có nhiều đoạn ghép lại. Cái đoạn mà chúng tôi thích nhất là đoạn trẻ trâu - mục đồng ấy.
Dẫu là Tí hay Tèo, cu Con hay cu Nhớn hoặc những cái tên hay ho khác khi đến trường, nhưng khi đã nhảy lên mình trâu ra đồng, chúng tôi đều có cái tên chung là “trẻ trâu”, các cụ ta xưa gọi chúng tôi là “mục đồng”. Cuộc đời con người có nhiều đoạn ghép lại. Cái đoạn mà chúng tôi thích nhất là đoạn trẻ trâu - mục đồng ấy.
Làng tôi thuần nông, đông dân lại khá lâu đời nên nhiều trâu lắm. Khá giả thì mỗi nhà một con. Vừa vừa thì hai nhà chung một con. Nghèo hơn tí thì mỗi nhà một cẳng. Kiểu gì cũng phải có trâu. Nếu không, cày sao được. Sức đâu mà cuốc hết ruộng nọ sang ruộng kia. Còn bừa cấy nữa. Vì thế làng tôi có tới mấy trăm con trâu.
Mỗi buổi sáng, từ cổng làng, trâu lũ lượt tuôn ra ngoài đồng. Lũ trẻ trâu chúng tôi thường là nón rách mũ nan hay mũ lá, tay cầm cây roi tre vắt vẻo trên lưng trâu. Con trâu dù to hay nhỏ, lũ trẻ đứa cao đứa thấp, cuối cùng biết cưỡi hết. Có đứa cưỡi trâu bằng cách bám vào hai sừng rồi leo lên từ đầu trâu. Có đứa túm chặt đuôi, một chân bấm vào khuỷu chân sau con trâu mà nhảy phắt lên. Đa số là cưỡi ngang. Bấm một chân vào xương khuỷu gần nách trâu rồi nhảy lên. Còn lúc xuống thì chỉ có tuột một phát là xong. Được trâu cõng, đứa nào cũng thấy như mình đang cưỡi ngựa vậy, thích lắm. Lưng trâu to, phẳng lì, êm ru. Có đứa còn nằm sấp trên lưng trâu. Có đứa nằm ngửa vắt ngang lưng trâu tha hồ ngắm trời ngắm đất.
Lũ trẻ trâu chúng tôi mỗi năm cũng vất vả mất vài tháng vụ cày bừa cho cấy chiêm, cấy mùa. Sáng phải cho trâu ra đồng sớm, giao cho thợ cày rồi về nhà làm việc khác. Gần trưa mang cỏ ra đồng, nhận trâu đưa lên đường hoặc đống cho trâu ăn cỏ và nghỉ ngơi. Khi thợ cày ra làm chiều thì trẻ trâu mới được về. Nhiều hôm đói hoa cả mắt. Tuy nhiên, sự vất vả ấy không kéo dài.
Ngoài hai tháng cày bừa, còn lại là trâu nghỉ ngơi. Những tháng ấy, ngày nào trâu cũng được đi chăn. Được đi chăn trâu sướng lắm. Trước hết là không phải ở nhà làm việc vặt, đỡ bị bố mẹ mắng mỏ. Ra đến ngoài đồng, cả lũ chúng tôi như được tháo cũi. Chúng tôi kết nhau thành hội, thành nhóm để hẹn nhau cùng chăn ở đồng nào, bãi nào. Hoặc là đê hay sườn đồi, nơi nào cỏ tốt thì cho trâu đến. Từ lưng trâu tụt xuống, chúng tôi quấn rợ vào sừng trâu cho gọn và thả cho trâu ăn tự do. Từ giờ phút ấy, bầu trời là của chúng tôi. Đồng bãi là của chúng tôi... Chúng tôi làm chủ. Hôm thích thì mang diều đi thả rồi nằm ngửa trên bờ đê xem con diều chao lượn. Hôm thì chơi hết trò này sang trò khác. Những cuộc đánh khăng, đánh đáo chẳng mấy khi chán. Ở cái tuổi trẻ, hồn nhiên, tò mò chúng tôi biết từng lỗ chuột trên đống, trên đê. Cuộc hun chuột nào cũng vô cùng thú vị. Vụ dỡ lạc, dỡ khoai, sắn xong là thời gian khoái nhất của trẻ trâu. Chúng tôi đi mót lạc, mót khoai, sắn. Rồi đống lửa đốt cây que, cỏ khô được bùng lên. Lát sau mùi khoai, sắn nướng tỏa thơm phức. Bẻ ra, nóng giẫy, hai tay đảo miếng khoai vỏ cháy đen, miệng gặm dần. Có lần chúng tôi cưỡi trâu bơi qua sông ra bãi bồi ăn cỏ. Trâu bơi rất giỏi. Lũ mục đồng chúng tôi chẳng ai dạy nhưng đứa nào cũng bơi rất cừ.
Cứ thế, chúng tôi lớn lên ở đồng áng quê hương. Chúng tôi biết xứ đồng cao, đồng thấp. Chúng tôi biết quãng đê nào lắm cỏ, nơi nào nhiều chuột, mương nào lắm cá, đồi nào lắm sim… Chúng tôi biết gió nào thả diều sẽ lên, gió nào không thả được. Chúng tôi lớn lên qua những trò chơi, bơi lội, nặn pháo đất, thi cưỡi trâu “phi ngựa”, đánh khăng, bẫy chim, chọi cỏ gà… Tất cả những cái tầm thường ấy bỗng thành kỷ niệm sâu sắc và xúc động khi lũ mục đồng chúng tôi lớn lên và tỏa đi muôn nơi.
Có phải chính cái quãng đời mục đồng trẻ trâu ấy đã hình thành trong chúng tôi khái niệm quê hương và tình yêu làng xóm?
Tản văn của VĂN DUY