Mùa xuân đến sớm

12/02/2015 10:52



Minh họa: Văn Hà

Dúi thêm củi vào bếp, tay cầm chiếc quạt nan phủi nhẹ, ông Bùi nhìn ngọn lửa bỗng bùng lên, tí rách. Mặt ông đỏ dậy. Nước từ nồi bánh chưng dào khỏi mặt vung, sùng sục sôi nghiêng về một phía.

“Ðêm. Ðã hơn mười một giờ. Tính thời khắc kiểu “can chi” lúc này, giờ Tý đã đi qua hơn hai chục phút rồi. Năm nay, tháng chạp đủ. Ngày mai, đã “ba mươi Tết”.

Ông Bùi tự nói thầm trong miệng. Mắt ông ánh lên nét cười vui. Mà ông Bùi vui thật. Năm nay, ông vào ngưỡng lục tuần, tròn một “hoa giáp”. Ðời người thật nhanh. Ai đó ví, bóng câu qua cửa. Ngẫm, mà da diết trong cái cảm, cái nghiệm, trước cõi “vô thường”.

Giục bà vợ đi ngả lưng trước rồi thay phiên ông coi nồi bánh chưng cháy thêm vài tiếng nữa cho rền. Ông Bùi nói vậy với vợ. Thực tình, đêm nay ông muốn thức, muốn ngồi một mình để trò chuyện với riêng mình cái nghĩ. Tính ông là thế. Ai đó chả bảo, người ít nói thường nói nhiều trong độc thoại đó ư? Là người lính từng vác súng có mặt trong trận tổng tiến công mùa xuân năm 1979 đánh vào thị xã Ko Kong, cùng đồng đội tiêu diệt bọn diệt chủng Pon Pốt, ông Bùi ra quân, chuyển về làm công tác công đoàn ở một đơn vị. Là thương binh, được giám định sức khỏe, nghỉ hưu sớm đã hơn ba năm. Trong biến cải của năm tháng cõi người, ông Bùi có cái nhìn riêng. Ông nghĩ, trong nhân cách, lối sống, trong hy sinh, cống hiến, người "lính Cụ Hồ", người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là hình ảnh bao giờ cũng sáng trong, vô tư, cũng thật đẹp trước nhân dân, trước Tổ quốc. Bởi vậy, hai cậu con trai sau khi tốt nghiệp đại học, ông đều khuyên chúng tình nguyện vào quân ngũ. Một cậu là lính biển, đang có mặt trên đảo Trường Sa. Một cậu là lính biên phòng, bảo vệ vùng biên cương đất nước. Nơi quê nhà, hai ông bà sống trong căn nhà nhỏ. Cô con dâu, vợ Nam - cậu con trai lớn, là giáo viên, bận tối ngày ở lớp. May, cặp cháu nội yêu quý luôn quấn quýt ông bà, chỉ buổi tối, chúng mới về ngủ với mẹ, cách nhà ông lối ngõ. Cậu trai thứ đã ở tuổi “U30”, cách đây mấy hôm, khoe: vừa kiếm được “một nửa của mình” thật hết ý. Chẳng hiểu, cậu “kén” hay mải mê nghiệp lính mà không sợ lỡ thì. Họ hàng, bè bạn ai cũng giục mà lúc nào cậu cũng khéo cười trừ…

Thoáng đó đã áp Tết. Cái không khí đông qua, đâu đó, xuân mới đang tràn về trước cửa làm ông Bùi chộn rộn một tâm trạng kỳ lạ. Ông  phấp phỏng, hy vọng cuộc tề tựu đông vui của gia đình, con cái vào giữa sớm xuân này. Bởi, người trai lớn, kể từ khi giàn khoan 981 nghênh ngang hạ trái phép trên Biển Ðông rồi rút, cậu mới một lần được phép về thăm quê chớp loáng. Ðông - cậu trai thứ thì hẹn Tết này sẽ dẫn “hoa khôi” một dâu hiền về “bái  kiến cao đường”. “Ôi! Vui quá”. Ðây là món quà xuân quý nhất với vợ chồng ông, những người cao tuổi dễ mủi lòng trong những ngày vui lớn…

Tự thầm lặng nhen nhóm trong mình niềm vui ấy, mấy hôm nay, lúc nào ông Bùi cũng ăn diện đỏm dáng. Ông thấy mình như trẻ ra. Lông nhông với chiếc xe đạp điện, ông Bùi sang tận chợ Ðồn mua về những mấy cân hành giao cho vợ muối dưa. Ông tha về đủ thứ đồ nấu Tết, nào đỗ xanh, miến, mộc nhĩ, nấm hương rồi bánh đa nem. Từ chiều hăm ba tiễn Táo quân lên trời, ông đã lần đến tận làng vườn Tân Lập, chọn mua, thuê xe ôm chở về, đặt giữa nhà cây quất cao lút đầu người, quả hoa đủ các thế hệ, nom tuyệt đẹp.

Thường ngày, nhà ông Bùi sinh hoạt sơ sài, vậy mà đặc biệt Tết này, ông Bùi cầu kỳ. Gần bước vào tháng chạp, ông Bùi đã rủ rê mấy vị hàng xóm cùng đụng con lợn về nuôi. Hơn tháng trời, lợn chỉ ăn cám gạo, cấm không dùng thức ăn tăng trọng. Ông bảo, ngày Tết, bày đặt chút bận rộn cho vui. Sớm ba mươi ngả con lợn cúng gia tiên có tí lòng lợn tiết canh, vợ chồng, con cái ngồi quây quần cùng nâng ly, uống với nhau nhấp rượu cũng sướng. Hương vị ngày Tết từ bánh chưng, mâm ngũ quả, cành đào, cây quất… tất cả quyện hòa trong mùi hương trầm nghe thoảng sâu, nhẹ ngát. Phong tục cổ truyền từ ngàn đời này đã làm nên ý thức, tình cảm của người Việt, đẹp mà thiêng liêng lắm. 

Ông Bùi dụi khúc củi trong lò cho ngọn lửa tắt hẳn. Nghe bà vợ đánh tiếng, ông xuýt xoa, giọng thủng thẳng:

- Bà cứ ngủ. Mặc tôi. Bánh chưng được rồi, chắc rền, ngon lắm.

- Gà đã gáy canh hai rồi kia. Ông biết chứ.

Ông Bùi chẹp miệng:

- Ừ. Canh ba thì phải... Mà, chả mấy đã sáng. Với lị, tôi cũng chẳng ngủ được nữa.

Ông Bùi còn lụi cụi dưới bếp có tới gần nửa tiếng đồng hồ mới lên giường. Trằn trọc thế nào, ông lại bật dậy, pha ấm trà, một mình ngồi ngẫm ngợi. Khi màn đêm vừa rõ mặt người, ông Bùi vừa ôm radio, nghe đài tập thể dục vừa huơ bàn tay ra ngoài hiên, xuýt xoa:

- Lạnh đấy. Trời đang lấm tấm mưa. Cữ này, tiết xuân về đẹp lắm.

- Dào. Ông vẫn thức đấy à? Thì ra, cả đêm qua chẳng ngủ?

Mặc bà vợ vẻ trách yêu. Ông Bùi đang vui. “Ngủ sao được cơ chứ”. Buông chén trà, xắn tay vào lau chùi, lo bài trí cho xong cái ban thờ ngày Tết. Bật hai bóng nê-ông cho gian nhà thật sáng, ông Bùi lau cặp đỉnh hương rồi treo lên hai bên cột đối xứng một đôi câu đối đỏ, mới toanh. Chọn cặp bánh chưng đẹp nhất đặt trước mâm ngũ quả, ông thắp ba nén nhang, tay cung kính chắp trước ngực. Không khí xuân đến quá gần rồi. Giữa phút này, không hiểu sao, ông Bùi bỗng thấy dậy lên nỗi hoài ức. Ông nhớ về những cái Tết thật nghèo thời bao cấp. Nhớ về thuở cha mẹ còn hàn vi, những ngày này thường âu lo, toan tính nhiều, mong làm sao con cái có chiếc quần áo mới mà dạo xuân, không để chúng thua bè, kém bạn. Nhớ một năm đi qua, rủi may là gì? Tết này sum vầy, những ai? Còn ai vắng xa, không về được…

Ðang lầm rầm khấn mấy câu khấn Nôm, bỗng phía cổng có tiếng gọi, ông Bùi cúi đầu vái ba vái rồi nói vọng ra ngõ:

- Chú Cộ hả? Bắt đầu “khởi sự” chưa?

- Khởi sự sao được. Mọi người đang chờ “chuyên gia” sang “chỉ đạo” mới có tiết “chuẩn” mà đánh bát tiết canh chứ.

- Vậy à? Tôi có mặt ngay đây.

Vội khoác thêm chiếc áo lên người, ông Bùi khấp khởi đi như chạy. Quanh làng, tiếng lợn kêu bỗng vang lên như nối nhau, như hẹn hò inh ỏi. Không khí Tết làm ông Bùi vui vui, nghe ấm áp hẳn lên.

Khoảng gần mười giờ, từ đám đụng lợn ông Bùi mới khệ nệ bê phần thịt, tiết canh được chia, cả nước xuýt từ nồi luộc lấy về. Bỗng ông đứng khựng trước sân, nhìn Ðông, cậu trai út được phép về quê ăn Tết. Giọng ông như hét lên vui sướng.

- Dào, con trai! Vừa xuống xe hả? Ðẹp trai. Béo, trắng ra nhỉ. Ðâu? Nàng dâu tương lai yêu quý của bố đâu?

Nghe tiếng hỏi, cô gái dáng thanh mảnh bỗng e thẹn từ trong nhà lễ phép bước ra. Ðông, cậu con trai vội chạy theo, dắt tay người yêu đến trước mặt bố trình diện. Ông Bùi vẻ hạnh phúc, cười híp mắt. Nhìn cô gái có khuôn mặt sáng, nước da trắng hồng, cặp môi tươi rói, giọng ông Bùi như nghẹn lại. Nhất là vợ ông, khi thấy Ðông, đứa con út ít của mình như chim non đủ cánh, đã sổ lồng, đã lớn lên giữa cuộc đời, đã tự vun trồng, đắp xây được tổ ấm cho riêng nó. Cuộc đời thật ý nghĩa. Thật yêu thương. Thật đẹp. Bởi, mới ngày nào, ông bà gặp nhau thời trai trẻ, ông là lính, bà ở quê xa. Cảnh cán bộ, công nhân, tháng năm  nghèo, bấn túng, thân lập thân, không người nhờ cậy. Vậy mà, hai cuộc đời buộc vào nhau. Bằng tình yêu thủy chung và tình thương đằm nặng, vợ chồng bà có khác chi con thuyền đã vượt qua bao ghềnh thác, đã dắt díu, nuôi con khôn lớn, thành người. Từ hai thân phận mong manh ấy, giờ nhà ông Bùi đã thành “đại gia đình”, nào dâu hiền, rể thảo, nào hai cháu nội thật thông minh, ngoan ngoãn. Rồi, Thúy, cô gái, người yêu thằng út hôm nay... nom nó đẹp, lại hiền lành, phúc hậu… Ôi, còn hạnh phúc nào hơn thế nữa?

Là người mẹ, hôm nay, dường như bà vợ ông Bùi vui, xúc động nhiều hơn. Bà luôn miệng trò chuyện với “nàng dâu mới”. Bà dắt Thúy đi khoe khắp xóm. Gần mười một rưỡi trưa, ông Bùi đã bày biện đủ các thứ xôi thịt ngày Tết với mâm cỗ khá linh đình. Chờ  tuần nhang đầu cháy hết, thắp tiếp tuần nhang thứ hai, ông Bùi đảo đi quanh lối xóm lần nữa. Ông mời bằng được vị “trưởng xóm”, hai cựu chiến binh là bạn đồng ngũ rồi ba bà cùng vợ ông là chỗ bạn bè, nhóm lãnh đạo “Hội phụ nữ” của xóm sang nhà ông “cúng ba mươi Tết”. Ông bảo, “Các ông, các bà phải ưu tiên, mừng cho vợ chồng tôi chứ. Năm nay nhà tôi đại hỷ. Cháu Ðông, lính biên giới được về ăn Tết này. Mùa xuân mới, lại có thêm dâu mới nữa. Các ông bà, thắp hương cúng ba mươi vào buổi tối cũng được. Vợ chồng con cái nhà tôi lại kéo sang uống rượu. Vui chưa?...”

Bấy giờ, sắp bước vào giờ Ngọ, trên dãy bàn được kê làm ba mâm đặt ở gian giữa, gia đình ông Bùi rồi bạn bè, khách khứa đã ồn ào, đông đúc. Tiếng mời chào, tiếng cốc chén liên tục va nhau. Tiếng chúc tụng. Tiếng cười nói, cả tiếng vỗ tay cứ từng đợt vang lên sau lời “phi lộ” vẻ văn chương, thật mềm, khéo mà chứa chan tình quê, tình giềng xóm của vợ chồng ông Bùi. Dường như vui, không giấu được chuyện riêng mình nữa, Ðông, “cậu trai út” ông Bùi, cũng thấp thỏm mấy lượt rồi vụt đứng dậy, thưa chuyện.

Mọi người chợt im lặng, lắng nghe. Chốc chốc, tiếng vỗ tay, tiếng cười vui, cổ vũ lại rộ lên tán thưởng. Thì ra, cậu trai út ông Bùi giỏi quá. Người lính biên phòng cùng nhóm cảnh sát vừa lập công xuất sắc trong đợt truy kích tội phạm ở một vùng biên giới. Ðông được đơn vị thưởng phép về Tết. Thúy, cô dâu mới xinh đẹp, người Phố Hiến lên vùng cao dạy học đã ngót chín năm. Hai đứa vừa đính ước, quyến nhau về ra mắt họ hàng. Nom chúng đẹp đôi, chẳng khác đóa hoa rừng.

Câu chuyện trong bữa cúng gia tiên trưa ba mươi Tết tại nhà ông Bùi vui đến vỡ trời. Ai cũng tranh phần đàm luận. Người góp ý chuyện trăm năm cho đôi bọn trẻ. Người hài hước, pha trò. Người vạch đường hướng cho công việc “vào xuân”. Ông trưởng xóm còn hứng lên đọc bài thơ theo thể Ðường luật vừa ứng tác tại chỗ. Lan man mãi, ông Bùi mới đứng tựa vào một góc nhà, vẻ “tổng kết”.   

- Thưa các bác - ông Bùi lựa lời, hai mắt như nhắm lại, cười vui - Như vậy, Tết này, mùa xuân đến với nhà tôi “song hỷ” hay tam tứ, ngũ hỷ đây? Vui quá. Các bác mừng cho hạnh phúc vợ chồng gã  bạn già này nhé - ông Bùi cụ thể hơn - Bây giờ, tôi đã tính, nhằm mồng sáu, giờ hoàng đạo, đầu xuân, ngày cực đẹp, sau buổi vui làng vào hội Tết, trân trọng mời đội ngũ này… (ông Bùi chỉ vào mọi người, nhấn mạnh) tôi sẽ thuê chiếc xe mười hai chỗ ngồi cho rộng. Chúng ta đại diện nhà trai, có cơi trầu đến thưa chuyện với họ nhà gái. Ðây cũng là chuyến xuất hành du xuân đầu tiên cho may mắn, được không?...

Tiếng vỗ tay lại rộ lên không dứt. Nhiều tiếng hỏi nhao nhao.

- Sau “ăn hỏi”, lễ thành hôn tính sao, hai bác?

- Dạ. Qua Nguyên tiêu sẽ tổ chức rước dâu ạ.

- Ồ. Vậy thì vui quá. Xin chúc mừng. Chúc mừng…

Ðang ầm ĩ mỗi người góp vào một ý, bỗng phía ngõ vang lên tiếng còi xe làm ai nấy giật mình. Mọi người ngơ ngác nhìn chiếc tắc-xi màu xanh đậu xịch trước cửa. Tiếng cậu trai út reo toáng lên:

- Ôi. Anh Nam. Anh Nam. Bố mẹ ơi. Chị Hiền ơi. Ra đón anh Nam này…

Nghe tiếng reo, mọi người đang nâng ly chúc tụng đều ngó nghiêng, đứng dậy. Ðông, cậu trai út, rồi ông Bùi cùng mấy người vội ùa ra sân, ôm chặt lấy Nam, người lính đảo, vẻ mừng rỡ.

- Xuân này, nhà ông Bùi vui nhất rồi nhé. Hai con là lính đều được phép về ăn Tết với bố mẹ xuân này.

- Mà sao anh không “phôn” cho em một tiếng?     

Cậu út hỏi. Người anh cả trả lời:

- Mãi chín giờ sáng nay tàu mới cập bến đất liền. Sau chuyến tuần tra dài ngày, anh vừa được cấp trên thưởng phép. Với lại, là lính, việc quân, biết đâu mà điện trước cho em... À, còn kế hoạch của em với Thúy thế nào?

- Chuyện cưới xin nay mai ớ? Em đã “trình” anh tuần trước rồi kia…

- Em yên tâm. Anh đã báo cáo đơn vị. Sẽ có mặt ở nhà giúp em trai tổ chức hôn lễ thật chu đáo và vui.
- Ôi. Thế thì hay quá. Hay quá…

Nam và Ðông, hai người lính, hai anh em vừa trò chuyện, vừa ôm choàng lấy nhau, xoay tít một vòng sân, làm ai nấy vui lây. Vợ chồng ông Bùi rồi mọi người đều vỗ tay, hát vang, ngỡ như buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ.

Một mùa xuân thật tươi vui, hạnh phúc đang đến sớm với gia đình ông Bùi.

Truyện ngắn của KIM CHUÔNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân đến sớm