Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Vịnh Bắc Bộ nên nhiều nơi trong tỉnh đã có mưa và dông rải rác.
* Lúa bị nhiễm vàng lá di động đã phục hồi
Lượng mưa lớn nhất đo được tại thị xã Chí Linh đạt hơn 39 mm, huyện Cẩm Giàng 32 mm. Đợt mưa này tiếp tục tạo thuận lợi cho lúa mùa phát triển bởi đa phần lúa mùa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, diện tích lúa trỗ bông, phơi màu chưa nhiều. Hơn nữa, những ngày tới, mưa sẽ giảm dần và chủ yếu tập trung vào đêm và sáng sớm, ban ngày có khả năng trời hửng nắng nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc lúa trỗ bông, phơi màu.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo, trong tháng 9, khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ có từ 3-4 đợt mưa vừa đến mưa to và dông trên diện rộng, trong cơn dông có gió giật mạnh. Các địa phương cần hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ bệnh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá... Tháng 9 là tháng cuối của mùa mưa lũ nhưng khả năng vẫn xuất hiện từ 1-2 đợt lũ với biên độ lũ lên cao từ 1-2 m. Do đó, những địa phương có diện tích lúa mùa muộn mới cấy lại ở Kinh Môn, Kim Thành cần chủ động các biện pháp chống úng.
* Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay bệnh vàng lá di động đã dừng, không còn khả năng lây lan. Một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh nay đã phục hồi, ra lá mới, làm đòng, trỗ bông. Các địa phương đã làm tốt việc khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng tiêu hủy những khóm lúa bị nhiễm và phun trừ rầy xanh đuôi đen (môi giới truyền bệnh) kịp thời. Ngoài ra, khi lúa vào giai đoạn làm đòng, trỗ bông, vào chắc, bệnh ít xuất hiện và khó lây lan.
Trước đó, bệnh vàng lá di động đã xuất hiện trên 46 ha lúa mùa tại các xã Văn Tố, Minh Đức, Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) và Thanh Khê, Thanh Hải (Thanh Hà), chủ yếu trên các giống Q5, nếp, Hương thơm... giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái.
PV