Từ ngày còn đang học phổ thông tôi rất yêu câu ca dao: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh/Ai lên xứ Lạng cùng anh/Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...”. Và lần này tôi lại có dịp về thăm xứ Lạng để thỏa lòng ước ao. Từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Đồng Mỏ ở Lạng Sơn khoảng 100 cây số với những dãy núi nhấp nhô, trời mây bảng lảng, lòng tôi trào dâng cảm xúc. Hai bên đường những phẩm vật nổi tiếng của mùa thu xứ Lạng như na dai, hồng giòn được bày bán từng dãy. Ải Chi Lăng đây rồi, những dãy núi vòng cung nhấp nhô đã đi vào lịch sử dân tộc khắc ghi trang sử hào hùng của vua tôi nhà Lê chém rụng đầu Liễu Thăng. Ngước nhìn hai bên triền núi mờ xanh, nơi từng tảng mây trắng xốp bồng bềnh thấp thoáng bóng những sơn nữ đang thu hoạch hoa quả như tô điểm thêm chất lãng mạn của mùa thu xứ Lạng.
Du khách đến Lạng Sơn thật thích thú khi ngắm con sông Kỳ Cùng vắt qua thành phố như một dải lụa mềm thơ mộng. Điều thú vị và đặc biệt nhất, đây là con sông duy nhất ở miền Bắc lại chảy theo hướng đông nam - tây bắc sang Trung Quốc. Ai đã một lần đến thành phố Lạng Sơn thì không thể không thăm thú những địa danh nổi tiếng nơi đây như động Tam Thanh, chùa Nhị Thanh, núi Vọng Phu, bến đá Kỳ Cùng. Trong ban mai xứ Lạng, từng tốp học sinh phổ thông ríu rít đến trường, áo quần sặc sỡ. Mùa thu xứ Lạng là một chút nắng vàng trải dài trên dãy núi có nàng Tô Thị bồng con chờ chồng. Bức tượng đá hình người mẹ bồng con mang ý nghĩa nhân văn về lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam và lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa của nhà nước phong kiến đã làm xúc động triệu triệu trái tim. Mùa thu xứ Lạng là những cảm giác se se lạnh vào chiều tối nhưng phải chờ đến đêm đến cảm giác này mới thật đúng. Khi mặt trời xuống núi, thành phố lên đèn rực rỡ cả một góc trời, người xe đi lại tấp nập, hơi sương từ núi hắt xuống từ sông hắt lên làm cho du khách cảm nhận đã sang tiết thu thật rồi.
Đêm thu xứ Lạng, du khách đi thăm chợ đêm Kỳ Lừa mới cảm nhận được những nét văn hóa và ẩm thực đặc trưng nơi đây. Vào chợ đêm, ngoài hàng hóa thông thường như điện máy, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... du khách có thể gọi một bát phở chua hoặc nhâm nhi mấy chén rượu Mẫu Sơn với vịt quay lá mắc mật. Dư vị thơm thơm, ngòn ngọt của những miếng thịt vịt quay hoặc đĩa khâu nhục bóng láng cộng thêm hương vị êm êm của rượu Mẫu Sơn làm ấm lòng du khách. Những cô gái Dao, Tày, Nùng đôi má đỏ ửng địu những gùi hoa quả, rau xanh xuống chợ áo váy rực rỡ như một điểm nhấn của chợ đêm Kỳ Lừa. Mùa thu xứ Lạng không thể thiếu những hoa quả đặc trưng của xứ này. Hình như có nhà thơ đã viết: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” nghĩa là nhìn đĩa hoa quả thì biết nhịp sông núi chuyển mùa. Hồng giòn, na dai được trồng ở những dãy núi Chi Lăng đã nổi tiếng từ lâu, bưởi, cam được trồng trong những trang trại của huyện Cao Lộc, quýt ngọt Bắc Sơn, dưa hấu Lộc Bình để lại trong lòng mỗi du khách những dư vị khó quên. Mùa thu xứ Lạng là những đôi má ửng hồng, nụ cười e ấp của những sơn nữ bán hoa quả ven đường, tiếng cười giòn tan của họ trong nắng thu làm lòng ta quên đi những vất vả lo toan thường nhật. Tạm biệt thành phố trẻ nơi địa đầu Tổ quốc, tạm biệt mùa thu xứ Lạng lòng tôi bâng khuâng:
Tạm biệt nhé mây trời xứ Lạng
Biết bao giờ trở lại nơi đây?
Thương nhớ lắm nụ cười e ấp
Tình trong em như trái chín căng đầy…
NGUYỄN VIẾT HIỆN