Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn, bởi bệnh nhân nhiễm HIV phải nằm điều trị nội trú với tần suất cao hơn so với người khác.
135 người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
Năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 135 người nhiễm HIV chưa có thẻ. Đây là một việc làm có ý nghĩa nhân văn, bởi bệnh nhân nhiễm HIV có nguy cơ ốm đau phải nằm điều trị nội trú với tần suất cao hơn so với người khác. Có thẻ BHYT sẽ giúp họ bớt được chi phí ở nhiều khâu như khám bệnh, làm xét nghiệm...
Hỗ trợ kịp thời
Tại Hải Dương, người nhiễm HIV/AIDS hiện vẫn được hỗ trợ thuốc kháng virus ARV. Dù Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã hỗ trợ khoảng 3,5triệu đồng/bệnh nhân/năm để làm các xét nghiệm đo tải lượng virus nhưng nếu không có thẻ BHYT, người bệnh vẫn phải chi trả thêm khoảng 3 triệu đồng/năm để làm các xét nghiệm định kỳ. Đó là chưa kể các chi phí khác cho những lần khám chữa bệnh. Đây là số tiền không nhỏ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của nước ta đang bị cắt giảm. Theo lộ trình, nguồn thuốc ARV do Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS sẽ bị cắt giảm và sẽ nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả. Do đó, chiếc thẻ BHYT rất cần thiết đối với người nhiễm HIV/AIDS.
Giữa năm 2017, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã lập danh sách những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT để đề nghị tỉnh hỗ trợ mua thẻ. Qua rà soát hơn 1.400người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị thì còn 135 người chưa có thẻ BHYT. Hầu hết những trường hợp này đều có hoàn cảnh khó khăn do không có việc làm ổn định. Kinh tế eo hẹp khiến việc mua thẻ BHYT đối với họ không hề đơn giản, trong khi có khá nhiều trường hợp trong một gia đình có 2người cùng nhiễm HIV. Sau khi Sở Y tế tham mưu, đề xuất, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ 135bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua thẻ BHYT. Tổng số tiền mua thẻ gần 95 triệu đồng do UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, kết hợp với nguồn kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại tỉnh ta năm 2015 và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Bình đẳng khi đi khám chữa bệnh
Sau khi đứa con qua đời, chị P.V.H.D. (30 tuổi) ở xã Kim Anh (Kim Thành) đi xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm HIV. Kể từ đó, công việc của chị trở nên bấp bênh, không có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, chị là lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống chất chồng những khó khăn nên chị D. không dám nghĩ đến việc bỏ ra một khoản tiền để mua BHYT. Bởi thế, khi được hỗ trợ mua thẻ BHYT đợt này, chị không khỏi xúc động. "Dù trước đây các y, bác sĩ vẫn thường xuyên tư vấn về lợi ích khi có trong tay thẻ BHYT nhưng đối với tôi đó là một điều xa vời khi điều kiện kinh tế còn quá nhiều khó khăn. Tôi rất phấn khởi khi các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm kịp thời đến những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS", chị D. nói.
Dự kiến 135 trường hợp được hỗ trợ sẽ có trong tay tấm thẻ BHYT có hiệu lực sử dụng từ ngày1.1.2018 đến hết ngày31.12.2018. Dù được hỗ trợ mua thẻ BHYT nhưng một số người nhiễm HIV/AIDS lại không khỏi băn khoăn, lo lắng. Họ e sợ khi sử dụng thẻ tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ có nhiều người biết về tình trạng nhiễm HIV của mình hơn, có thể làm gia tăng sự kỳ thị của những người xung quanh, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt. Trước vấn đề này, các y, bác sĩ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tư vấn rõ ràng cho bệnh nhân để họ yên tâm sử dụng thẻ BHYT. Bác sĩ Vũ Tiến Vượng, Trưởng Khoa Khám bệnh, tư vấn (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh) cho biết: "Việc bảo mật thông tin cá nhân cho người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Khám chữa bệnh và các quy định khác của pháp luật. Chỉ có người nhiễm HIV và bác sĩ mới biết được tình trạng nhiễm HIV. Người bệnh có thể yên tâm, không lo bị lộ thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Người nhiễm HIV sẽ được đối xử và thực hiện khám chữa bệnh như những người bệnh khác".
HUYỀN TRANG