Múa rìu qua mắt thợ

31/07/2013 10:10

Năm ấy, nhà thơ Trần Tế Xương đi trẩy hội chùa Hương. Ngồi cùng thuyền với Tú Xương từ Phủ Lý đến Hương Sơn là nhiều văn nhân, tài tử, nhưng chưa ai biết danh tính của nhau. Dọc đường, họ nối nhau ngâm thơ, xướng họa ngợi ca cảnh non nước hữu tình của chốn "Nam thiên đệ nhất động". Vừa đặt chân tới bến Đục, cảm tác trước cảnh mây trời, non nước, hoa lá ngày xuân làm đắm say lòng người, Tú Xương bèn ngân nga đôi câu đối:
Sơn sơn xuất bạch thuỷ vi tuyền hoà nãi tú dã,
Tịch tịch đa vân tử chi học nhật viết xương tai.

Mọi người trên thuyền đều ngạc nhiên không hiểu Tú Xương định hàm ý gì trong câu đối ấy. Thấy mọi người còn ngơ ngác, một bà lão tóc bạc phơ, ăn mặc giản dị, từ khi bước xuống thuyền vẫn ngồi im lặng nghe các văn nhân tài tử vịnh thơ, bấy giờ mới bật cười, vừa nhai trầu, vừa chậm rãi nói:

- Các cậu học hành nhiều, lại còn đỗ đạt nữa, sao mà vẫn không biết ai đang ở trước mắt à? Đấy chẳng phải ai khác, mà chính anh Tú ở Vị Xuyên.

Mọi người trên thuyền nhất loạt nhìn về phía Tú Xương, rồi quay lại phía bà cụ tỏ ý thán phục. Bà cụ chậm rãi giải thích:

- Trong hai câu đối vừa rồi, kể ra tinh ý thì biết ngay tên của anh ấy: Chữ "Hòa" ghép với "Nãi" thành chữ “Tú”, chữ "Nhật" ghép với "Viết" thành chữ "Xương". Vả lại ngay trong lời văn đối cũng đã có cả tên Tú Xương rồi còn gì.

Ngừng một lát, bà lão lại nói tiếp:

- Các cậu có biết không, đây là câu đối triết tự vừa khen cảnh đẹp, vừa giới thiệu mình một cách kín đáo, lại vừa có ý khuyên bảo mọi người gắng mà học hành.

Nói đến đây bà lão đọc đôi câu đối dịch như sau:
Núi núi nước trong tuôn thành suối, lúa trổ đẹp thay,
Đêm đêm nhiều chàng văn nên học, ngày thịnh rồi đấy.


Tú Xương nãy giờ đứng ở mũi thuyền, nghe xong giật mình, vội vàng tiến đến chắp tay lạy bà cụ mà rằng:

- Quả thực cháu có mắt mà cũng như không, mong cụ bỏ qua cho cái trò "múa rìu qua mắt thợ" của cháu. Cụ có thể cho biết quý danh để cháu còn ghi lòng tạc dạ.

Tất cả mọi người trên thuyền đều hết sức ngạc nhiên nhìn hai người. Bà cụ mỉm cười nhân hậu đáp:

- Già này tuổi đã nhiều, chẳng còn nhớ rõ tên tuổi của mình, chỉ biết là người đất Tràng An vẫn quen gọi già là "vô danh thị".

Tú Xương một lần nữa lại phải "giật mình" về cách chơi chữ khiêm tốn mà sâu sắc của bà lão.

ĐỖ PHƯƠNG NHÂM(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Múa rìu qua mắt thợ