Có một loài hoa đồng hành với mùa ve kêu và thân thiết với lứa tuổi học trò. Loài hoa ấy nở vào tháng tư đến tháng sáu âm lịch. Chen chúc trong vòm lá li ti, những chùm hoa nối tiếp những chùm hoa của nó làm thành một chiếc ô khổng lồ thắp lửa rực đỏ cả một khoảng trời. Ấy là hoa phượng.
Phượng là loài cây nhiệt đới cao khoảng năm mét, có cây cao tới hơn mười mét, thường được trồng ở sân trường, ở ven đường đi. Những tán lá dày đặc của nó che mát cả một khoảng sân, một khoảng đường. Thân phượng to, vỏ màu nâu xỉn, có những đốm bạc, xù xì, nhiều vết nứt ngang. Từ một thân, cây có thể chẽ ra nhiều chạc, mỗi chạc lại chẽ ra nhiều cành, mỗi cành chẽ ra nhiều nhánh, mỗi nhánh là bao nhiêu cành lá sum suê. Tán phượng rộng không kém gì mấy so với tán đa, tán đề. Tuy nhiên lá phượng nhỏ, giông giống lá me, mỏng, màu xanh thẫm, mọc song song hai bên cuống. Mùa xuân phượng đâm nhiều búp chồi non. Những búp chồi non phát triển thành những cành lá xanh non, rồi xanh mát, xanh thẫm, xanh rì…
Khi bản giao hưởng của các nghệ sĩ ve sầu vừa cất lên cũng là lúc phượng bắt đầu bung nở những chùm hoa đỏ. Hoa phượng có năm cánh. Bốn cánh đỏ tươi và một cánh có đốm trắng. Nhụy hoa ở giữa. Nhụy hoa có một cái vòi như thể râu con bướm. Phượng nở hoa đồng loạt. Hoa phượng không mọc riêng lẻ mà mọc thành chùm. Những chùm hoa phượng trên cao làm thành một tán lớn. Trông xa, tán phượng mùa hè đỏ rực như một mâm xôi gấc khổng lồ. Có nhà thơ đã gọi hoa phượng với cái tên là ngọc lưu ly, là lửa, là “linh hồn của mùa hạ”. Có phải là cây phượng đã thu hết ánh nắng chói chang của mặt trời mùa hạ vào những chùm hoa “đỏ như màu máu” của mình?
Hoa phượng nở vào mùa thi, mùa của những lứa học trò sắp sửa phải chia tay nhau để bước sang một năm học mới, hoặc sắp sửa phải chia tay nhau để bước vào ngưỡng cửa của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… Hoặc sắp sửa chia tay để đi về phía những chân trời…
Có thể, sau mùa hoa phượng này - hai mươi, ba mươi, bốn mươi mùa hoa phượng nữa - họ mới gặp lại nhau. Có thể, đến một lúc nào đó, họ gặp lại nhau thì nắng mưa, sương gió, đất trời... đã khác xưa nhiều lắm… Và có thể, có thể, họ không bao giờ gặp lại nhau nữa... Vì thế, mùa hoa phượng còn là mùa của nỗi niềm bịn rịn chia ly, bâng khuâng nuối tiếc, xốn xang nhung nhớ ở trong lòng…
Có lẽ, ở trên đời này, không có một ai là lại không hơn một lần cắp sách tới trường, tới lớp? Không có một ai đã không hơn một lần nhớ về mùa hoa phượng với những giận hờn, yêu ghét, nhớ thương?...
Mong sao, mùa hè này và những mùa hè sau nữa – không chỉ ở “thành phố hoa phượng đỏ” Hải Phòng và ở “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” Đà Nẵng - đêm ngày “rợp trời hoa phượng đỏ” - mà ở các thành phố khác, các miền quê khác trên đất nước này - mãi mãi rực đỏ màu hoa phượng thân thương, mãi mãi cháy lên ngọn lửa yêu thương đằm thắm của tình người…
Ôi, mùa hoa phượng thân thương! Tuổi thơ của ta ở đấy. Những rung động đầu đời của con tim bé bỏng dại khờ của ta ở đấy... Đừng có khi nào phai, đừng có khi nào tàn mùa hoa rực đỏ yêu thương...
Tản văn của PHẠM MINH GIANG