Mùa gặt đến là mùa của sự bận rộn, mùa của lấm lem bùn đất, của rơm lúa trải đầy đường. Cả làng từ tờ mờ sáng cho đến khi trời chập tối lúc nào cũng nhộn nhịp cơ man nào là các thứ âm thanh.
Tiếng ầm ầm của máy gặt chạy qua đường, tiếng nổ phình phịch của các máy tuốt lúa, tiếng xe cộ qua lại, tiếng bà con í ới gọi nhau khiến làng quê yên bình bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Cả cánh đồng lúa trải dài một màu vàng vô tận, thoáng đâu đây vài cánh cò hiếm hoi chao liệng. Những chiếc nón trắng nhấp nhô ẩn hiện ban đầu còn thưa thớt, rồi nhiều dần, nhiều dần. Rồi những chiếc máy cắt lúa chăm chỉ, bon bon đi từ bên này sang bên kia ruộng như một người khổng lồ oai vệ đi đến đâu là những cây lúa bị cắt phăng xuống đến đó. Có những gia đình không thuê máy gặt mà tự mình đi làm, vậy là cả nhà từ những người già, trung niên đến những đứa trẻ con trong nhà cùng kéo nhau ra đồng gặt lúa. Tuổi thơ tôi gắn liền với những buổi trời oi ả bên đồng ruộng. Chân giẫm xuống bùn lầy ướt át nhột nhột, tay vén lúa làm châu chấu, cào cào thi nhau nhảy ra, nhảy cả lên nón kêu lộp bộp rồi nhảy đi đâu đó mất hút.Thế rồi bỏ cả liềm, cả lúa mải mê chạy theo những con vật nhỏ bé ấy để khi quay về lại bị quở trách vì tội ham chơi quên việc.
Những cây lúa trĩu bông sau khi gặt xong được bó thành từng bó lớn chất lên xe kéo về nhà. Làng quê bây giờ không còn khó khăn như xưa nữa, không phải đập lúa, xay lúa bằng những công cụ thô sơ nữa mà dùng máy tuốt. Những cái máy tuốt lúa "phì phò" "nuốt" từng bó lúa lớn vào mình và phụt ra cơ man nào là rơm, thóc. Rơm mới, lúa mới, thơm lắm! Một mùi thơm dìu dịu đặc trưng. Rất đỗi quen thuộc đến nỗi người ta đã quen với nó và không còn nhận ra hay để ý gì đến nó. Cứ mỗi lần xa quê về, tôi lại muốn chạy ngay ra sân nhà hay ra cánh đồng hít hà mùi hương thơm mát ấy, cảm giác thật là khoan khoái, yên bình. Nhất là những buổi sáng tinh mơ, khi mọi người còn đang ngủ, tôi thức dậy và chạy bộ ra cánh đồng mới cảm nhận được hết cái dễ chịu ấy.
Ngày xưa dân làng quý rơm như quý thóc, quý gạo. Rơm phơi khô làm thức ăn cho trâu bò, lợp chuồng trại, rải ở vườn cho tốt đất tốt cây... Từng cây rơm chất cao như nóc nhà từ ngày này qua ngày khác đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc trong ký ức của tôi. Không chỉ vậy, tuổi thơ của lũ trẻ trong làng còn gắn liền với những buổi trưa ngồi xem bà tuốt rơm nếp bện chổi quét nhà rồi vừa xem vừa nghêu ngao hát "một sợi rơm vàng hai sợi vàng rơm, bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ...". Lũ trẻ chúng tôi còn lấy rơm làm bù nhìn hay bện thành những con búp bê rơm rồi truyền tay nhau như một thứ đồ chơi thú vị. Và nhớ cả những buổi chiều năn nỉ xin mẹ ít rơm, ít trấu ủ bếp nướng khoai, nướng sắn chia nhau thưởng thức món quà quê. Hồi ấy nhà ai cũng vất vả nghèo khó nhưng tình làng nghĩa xóm thắm thiết vô cùng.
Tôi lại nhớ mỗi lần tuốt lúa xong phải mang thóc về ra phơi, mồ hôi ướt đầm lưng áo, sân nhà ai cũng được nhuộm một màu thóc vàng óng. Rồi những buổi phải dũi thóc, cào thóc, thóc rặm bám vào chân, tối về tha hồ gãi.
Tuổi thơ bình yên của tôi gắn liền với đống rơm, sân thóc, gắn liền với những mùa gặt đầy vất vả mà tràn ngập tiếng cười. Giờ đây, làng quê đã thay đổi rất nhiều, những đứa trẻ ngày xưa giờ đã lớn. Những trò chơi ngày xưa cũng dần ít đi, nhưng với tôi và với nhiều người đã và đang có những ngày tuổi thơ vui vẻ ấy sẽ không thể nào quên được. Vì nhờ có những ngày tháng ruộng đồng vất vả ấy, chúng tôi mới biết yêu quý, trân trọng hơn bát cơm hạt gạo, sức lao động của người nông dân, của ông bà, bố mẹ mình, yêu thêm làng xóm, gia đình mình. Ở ngoài kia dù nhà cao tầng đang mọc lên san sát, dù đô thị hóa khắp nơi nhưng ở làng quê mình tôi vẫn thấy được sự yên bình khó tả trong cái màu lúa rơm vàng ruộm, trong khói bếp ban chiều lan tỏa.
NGUYỄN THỊ HẠNH(Lớp 11A, Trường THPT Nam Sách)