Một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa nào cũng mang một vẻ đẹp riêng và bâng khuâng những cảm xúc, kỷ niệm. Mùa đông, quãng thời gian khép lại một vòng tuần hoàn của đất trời, quãng thời gian tưởng chừng như vạn vật đều chìm sâu trong giấc ngủ. Nhưng có ai biết rằng chính mùa đông lạnh giá ấy đã ấp ủ những chồi non để một mai sự sống bừng tỉnh đón mùa xuân về.
Đông đến mang theo cơn gió lạnh tràn qua ô cửa, hàng cây. Cháu nhớ con ngõ nhỏ bà vẫn ngóng trông. Dáng bà gầy guộc ngoái theo bóng cháu nhỏ dần trên con đường làng. Dù cháu đã lớn nhưng lần nào bà cũng nhìn cháu đi hết con đường mới quay vào nhà. Đông đến, không khí lạnh căm, đạp xe trên những con đường dài, cháu miên man nhớ về tuổi thơ êm đềm bên bà. Nơi ấy, bà ôm ấp vỗ về và đưa cháu vào giấc ngủ say trong đêm đông rét mướt. Nơi ấy có cô Tấm, ông Bụt, chị Hằng... người tốt luôn được hạnh phúc, kẻ ác sẽ bị trừng phạt. Nơi ấy góc bếp ấm cúng bà cùng cháu nướng khoai lang... Tất cả cứ ùa về, sao ấm lòng đến thế.
Bà hỏi cháu: "Sau này cháu muốn làm nghề gì?". Lúc đó, trong đầu cháu xuất hiện ngay hình ảnh một cô giáo dịu hiền nắn từng nét chữ cho học sinh. Từ ngày ấy, bà đã dạy cháu biết ước mơ và theo đuổi niềm đam mê của mình. Mỗi buổi sáng sớm, cháu theo bà ra chợ Đình. Cái chợ làng nhỏ nhưng cháu đã nghe thấy những âm thanh của cuộc sống, nhộn nhịp mà vẫn bình yên lạ thường. Hương vị của những món ăn, hàng quà bà mua ngày ấy đã in dấu một góc tuổi thơ của cháu.
Cháu hỏi bà: "Sao bà lại ăn đầu cá ạ?". Bà bảo: "Ăn gì bổ nấy cháu ạ. Bà ăn đầu cá để không bị đau đầu nữa". Lớn lên, cháu mới biết câu trả lời đó của bà chứa đựng biết bao sự hy sinh thầm lặng... Bà bị bệnh đau đầu đã nhiều năm. Chứng kiến những cơn đau dữ dội kéo về, hằn sâu trên gương mặt đã nhiều nếp nhăn của bà mà lòng cháu đau nhói, cháu ước mình có thể làm gì hơn để bà luôn được khỏe mạnh.
Thời gian qua đi, cháu lớn và trưởng thành hơn nhưng lại có ít thời gian về thăm bà hơn. Mỗi lần về với bà, cháu luôn có cảm giác mình vẫn còn bé bỏng. Có lẽ bởi bà quá yêu chiều cháu. Không chỉ với cháu, với mẹ cháu, dì và các em, bà đều chăm chút như vậy. Dường như cả cuộc đời bà chỉ biết yêu thương và hy sinh cho gia đình, chiếc áo bà đang mặc đã sờn vai...
Có phải tâm trạng của cháu lúc này cũng giống như tâm trạng nhà thơ Bằng Việt khi nghĩ về bà: "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Bà là điển hình của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, giàu đức hy sinh. Bà thắp lên trong cháu ngọn lửa yêu thương, niềm tin và hy vọng bằng chính yêu thương của bà. Mùa đông ấp ủ yêu thương đợi mùa xuân đơm hoa nảy lá!
Bùi Thị Hồng Hạnh(Lớp 11B, Trường THPT Ninh Giang)