Năm 2012 là một năm bội thu của khảo cổ học trên địa bàn Hải Dương bởi hàng trăm hiện vật có giá trị cùng nhiều dấu ấn công trình kiến trúc cổ xưa được phát hiện.
Dấu tích tường thành kè phía ngoài phát lộ tại hố khai quật di tích Phao Sơn cổ thành
Trước hết phải kể đến cuộc khai quật tìm dấu vết của 2 công trình thuộc Chí Linh bát cổ là Phao Sơn cổ thành ở phường Phả Lại và Huyền Thiên cổ tự ở phường Văn An (Chí Linh) vào tháng 9-2012 do Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND thị xã Chí Linh thực hiện. Trong thời gian 1 tháng, các bí mật đã dần hé lộ dưới lòng hố khai quật. Tại hố khai quật thứ nhất ở chùa Huyền Thiên thuộc vị trí cũ của gian hậu cung đã thu được 76 hiện vật, trong đó có các mảnh gạch trơn, ngói mũi hài, lon sành cùng dấu vết của công trình kiến trúc cũ: các chân tảng hoa sen thời Trần. Tại hố khai quật thứ 2 thuộc khu vực vườn trồng thông, diện tích 9 m2 thu được 45 hiện vật như: lon sành, mảnh gốm, gạch hoa, đá tảng, chân tảng, đầu ngói trang trí đất nung, mảnh đất trang trí, ngói ống, đinh sắt... cùng dấu vết của công trình kiến trúc cũ là các chân tảng đá hoa sen thời Trần. Tiếp tục mở hố khai quật thứ 3 trên một gò đất trống diện tích 8 m2 đã thu được 25 hiện vật như: cục đất nung tròn, trụ đá, tảng hoa sen cùng dấu vết của công trình kiến trúc cũ thời Trần. Các dấu tích trên khẳng định ở đây đã tồn tại một công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Trần, tu bổ vào thời Lê.
Tại 2 hố khai quật ở di tích Phao Sơn cổ thành, phường Phả Lại, ngoài các hiện vật thu được cũng đã phát lộ dấu tích kiến trúc công trình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng tỉnh) cho biết: Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã và nghiên cứu thực địa, đoàn khai quật đã xác định mở 2 hố tại nơi trước đây có giếng Ngọc và sau nhà ông Nguyễn Văn Đôn ở khu 11 Ngọc Sơn, nơi hé lộ dấu tích của thành cổ Phao Sơn. Tại hố khai quật giếng Ngọc không phát hiện dấu tích gì. Nhưng tại hố khai quật còn lại, khi đào sâu hơn 30 cm lẫn trong lớp đất đen xốp pha sỏi và đất sét, thu được 6 mảnh gạch các loại. Tiếp tục mở rộng hố, thấy xuất hiện các mảnh gạch vỡ rồi các loại mảnh gạch dày, mỏng, đỏ, đen, đá… khác nhau xếp liền thành một khối không bằng phẳng kè ốp sát theo phần địa tầng đất sét. Đến phần đáy hố thì lộ thành gạch ghép bằng nhiều loại mảnh gạch, đá khác nhau, trong đó có gạch đỏ và đen, gạch vồ, đá sỏi... bề rộng khoảng 1 m, độ cao 0,47 m, phần chân rộng 1,5 m. Bước đầu có thể xác định, trước đây, thành cổ Phao Sơn được đắp bằng đất lấy lên từ việc đào hào bảo vệ xung quanh thành. Để bảo vệ bề mặt ngoài của thành được vững chắc, trải qua các thời kỳ đã được tu bổ thêm bằng cách xếp các loại mảnh gạch ghép lại với nhau để bề mặt đất không bị lở vỡ. Chân thành choãi rộng ra phía ngoài để giúp cho thành vững chắc hơn nên phần kè ghép các mảnh gạch bảo vệ bề mặt ngoài của thành cũng bám soải theo chân thành.
Ông Nguyễn Văn Sông, Trưởng ban Quản lý di tích thị xã Chí Linh cho biết: Đã nhiều năm nay, thị xã có kế hoạch tu bổ, tôn tạo lại các di tích thuộc Chí Linh bát cổ. Tuy nhiên, do thiếu căn cứ khoa học nên công việc vẫn chưa thể tiến hành. Qua đợt khảo cổ lần này, những hiện vật cũng như dấu tích công trình được tìm thấy đã củng cố cứ liệu khoa học. Đối với Phao Sơn cổ thành, tới đây, UBND thị xã sẽ tiến hành xây dựng bia, nhà bia, về lâu dài sẽ khôi phục lại một đoạn tường thành. Đối với chùa Huyền Thiên đã tiến hành lập dự án, tới đây tổ chức xây dựng, trùng tu dựa trên dấu tích cổ đã tìm được.
Tiếp nối kết quả đã đạt được trong cuộc khai quật năm 2011, cuộc khai quật khảo cổ học tại đền Quát, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) vào tháng 11-2012 cũng đã phát lộ nhiều bí mật chôn vùi trong lòng đất. Hố khai quật trước nhà hậu cung mới tôn tạo thu được 52 hiện vật với gạch cậy, tảng đá xanh, có dấu vết của pho tượng gỗ bị rỗng do mối xông và lớp tro đen. Hố khai quật mở phía sau tòa tiền tế thu được 9 hiện vật và lộ mặt móng tường cũ của di tích cao, rộng đều 0,35 m. Các dấu tích trên khẳng định vị trí này đã từng có công trình kiến trúc cổ. Thông qua hiện vật có thể khẳng định dấu vết các công trình kiến trúc thời Lê, Nguyễn. Qua khảo cổ, kết luận việc phục dựng đền Quát tại vị trí này là hoàn toàn hợp lý.
Dấu ấn đậm nét là cuộc khai quật khảo cổ học tại chùa Côn Sơn vào tháng 12-2012 nhằm xác định vị trí, quy mô tòa cửu phẩm liên hoa, tổ đường, hậu đường... của chùa Côn Sơn do Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức. Khu vực khai quật là sân trước và phía sau nhà tổ chùa Côn Sơn, vườn nhãn, gồm 3 hố khai quật rộng tổng cộng 400 m2, 4 hố thăm dò, thám sát mỗi hố 5 m2. Sau nửa tháng tiến hành, tại hố khai quật phía trước nhà thờ tổ đã phát lộ toàn bộ nền móng kiến trúc của công trình cửu phẩm liên hoa của thời Trần và thời Lê. Kiến trúc có hình chữ nhật, móng xếp bằng đá tự nhiên, kế thừa lớp kiến trúc phía dưới. Kiến trúc phân rõ rệt 3 gian, 2 trái. Hệ thống trụ móng chất liệu cát sỏi, phân bố đều nhau. Hố khai quật phía sau nhà thờ Tổ đã phát lộ hệ thống cột móng có khả năng là kiến trúc hậu đường được ghi chép trong văn bia thế kỷ XVII. Về 3 hố thám sát, 1 hố không phát hiện được gì, 2 hố trong sân chùa phát hiện có dấu móng, được xác định đó là dấu vết trùng tu từ thế kỷ thứ XVII. Trong đợt khảo cổ cũng phát hiện được nhiều mảnh ngói, gạch, gốm của thời Trần, Lê. Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, việc phát hiện công trình kiến trúc cổ trên một lần nữa cho thấy giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc vừa được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia. Đồng thời, những phát hiện sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc xây dựng dự án tôn tạo tòa cửu phẩm liên hoa, tổ đường, hậu đường chùa Côn Sơn.
Có thể nói, các cuộc khảo cổ học đã thể hiện tính nghiêm túc trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, bảo vệ di sản văn hóa của tỉnh ta. Những kết quả tìm được ngoài là cơ sở khoa học vững chắc cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch lịch sử còn minh chứng cho sự giàu có các giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất xứ Đông.
NGỌC HÙNG