Từ trước tới nay việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đã trở thành nhiệm vụ sống còn của mỗi quốc gia dân tộc...
Hiện nay, rất nhiều người quan tâm đến dự thảo Luật về Hội, bởi luật này khi được ban hành sẽ xác định hành lang pháp lý và những khung quy định nhằm điều chỉnh hoạt động của hàng loạt các tổ chức hội đã, đang và sẽ hình thành trong toàn bộ cơ cấu của xã hội hiện đại.
Trong quá trình soạn và thảo luận về dự thảo Luật về Hội cũng còn rất nhiều ý kiến được nhìn nhận phản ánh từ nhiều phương diện khác nhau, biểu lộ những khó khăn của quá trình dự thảo. Khi thảo luận, có đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn vì trong nội dung dự thảo luật chưa nêu rõ ràng, đầy đủ khái niệm về hội. Cũng có những ý kiến nêu rõ có một số tổ chức hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này vì được xem là “đặc biệt quan trọng”. Trong bài viết này, tôi chỉ xin bày tỏ những băn khoăn, trăn trở từ góc độ của những người trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) đối với dự thảo Luật về Hội.
VHNT là tinh hoa của nền văn hoá, thể hiện bản sắc văn hoá của mỗi vùng, miền, mỗi quốc gia. Từ trước tới nay việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đã trở thành nhiệm vụ sống còn của mỗi quốc gia dân tộc. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài nguyên lý đó. Từ sau khi chúng ta đã có những bước đi thành công trên chặng đường đổi mới thì bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam không chỉ là sức mạnh nội sinh chống chọi hữu hiệu với những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường tới thuần phong mỹ tục Việt Nam, tới đời sống tinh thần của mỗi người dân mà còn phản ánh hồn cốt của dân tộc Việt Nam ra thế giới. Sức lan tỏa và sự giao thoa văn hóa Việt Nam với thế giới thông qua hoạt động và thành tựu trên các ngành thuộc lĩnh vực VHNT đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, hội nhập.
Từ cái nhìn sáng suốt, từ quan điểm xuyên suốt và từ kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý đất nước, kế thừa Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Bộ Chính trị (khóa X) đã ra Nghị quyết số 23-NQ/TU về “tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”. Đó cũng chính là thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với nền VHNT nước nhà.
Tuy nhiên, các văn nghệ sĩ đều thấy trăn trở, băn khoăn khi thấy trong dự thảo Luật về Hội thì các hội thuộc lĩnh vực VHNT lại được đưa vào phạm vi điều chỉnh cùng với các hội bình thường, không còn được coi là “hội đặc thù” nữa. Tại các cuộc thảo luận dự thảo Luật về Hội, đã có những ý kiến cho rằng các hội trong lĩnh vực VHNT từ cấp Trung ương như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh… đến Hội VHNT của các tỉnh, thành phố chỉ là hội mang tính nghề nghiệp thuần tuý, giống như các Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn, Hội Nuôi ong… Từ đó, các Hội VHNT sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí để tổ chức các hoạt động.
Trong Nghị quyết của Đảng cũng như các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, vai trò và sứ mệnh của văn hóa, VHNT đã được xác định bằng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hết sức cụ thể để văn hoá và VHNT thật sự là nền tảng tinh thần, đồng thời vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định văn hóa và VHNT phải là 1 trong 4 cái chân vững chắc cùng với kinh tế, chính trị và môi trường để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Các Hội VHNT từ trước tới nay được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội mang tính chất đặc thù. Các Hội VHNT địa phương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách của tỉnh. Thế nhưng theo dự thảo Luật về Hội thì các Hội VHNT từ Trung ương tới địa phương sẽ tự lo, tự trang trải kinh phí, các hoạt động sáng tạo và sáng tác của các văn nghệ sĩ sẽ được thả nổi, “được chăng hay chớ”. Vậy thì VHNT sẽ góp phần mình như thế nào vào một trong 4 cái chân vững vàng để chúng ta tiếp tục đi lên? Cái “nền tảng tinh thần” sẽ được tiếp tục xây dựng và bồi đắp như thế nào? Đương nhiên trong thời gian tới việc củng cố tổ chức và vận hành bộ máy của các hội sao cho gọn nhẹ, chuyên nghiệp, tránh xa hướng hành chính hóa, nhà nước hóa quá mức như đã từng xảy ra ở một vài nơi, cũng là việc cần bàn tới khi xây dựng Luật về Hội. Tuy nhiên, một điều cần nhất quán để ghi trong Luật về Hội là: Các Hội VHNT phải là các hội cần được hỗ trợ đầy đủ của ngân sách nhà nước, được giao biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Những vấn đề trên đây rất cần được đặt ra để Đảng, Nhà nước, các nhà làm luật và toàn xã hội xem xét thật kỹ lưỡng nhằm tránh diễn ra sự xáo động từ cực nọ sang cực kia, từ chỗ Nhà nước quan tâm, can dự quá sâu vào công tác của các hội sang xu hướng buông trôi thả nổi.
TRẦN NGỌC MINH Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh