Để hạn chế thấp nhất những rủi ro khi tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật cho dưa hấu, nông dân cần chú ý một số điểm sau:
Nếu phun thuốc trừ cỏ cho dưa trong trường hợp không dùng màng phủ (dưa hấu thu đông) cần chọn các loại thuốc tiền nảy mầm có tính an toàn cao như: Dual gold, Ronstar… Phun trước khi đặt cây con khoảng 1/2 - 1 ngày (luống đất có đủ độ ẩm 70- 75%). Không nên sử dụng các loại thuốc hậu nảy mầm (phun sau khi cỏ đã mọc) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây dưa hấu, thậm chí có thể làm chết cây nhanh chóng.
Trong qua trình phát triển của cây dưa hấu thì giai đoạn cây con (sau mọc đến cây có 4-5 lá thật) là giai đoạn mẫn cảm nhất. Chỉ cần một lần phun thuốc trừ bệnh hóa học mà áp dụng nồng độ và liều lượng như trong nhãn mác khuyến cáo thì cây dưa hấu sẽ xuất hiện những triệu chứng như quăn lá, trùn ngọn hoặc cháy lá hàng loạt. Vì vậy, giai đoạn này nông dân cần chú ý: Với những loại thuốc trừ sâu bệnh trên nhãn mác liều lượng và nồng độ không chia ra theo từng giai đoạn phát triển của cây (cây con, cây trưởng thành) mà chỉ có một công thức pha chung thì chỉ nên phun bằng 1/2 liều lượng và nồng độ so với khuyến cáo và phun kỹ ướt đều thân lá, gốc. Giai đoạn cây bò được 20cm trở lên mới có thể phun thuốc theo nồng độ khuyến cáo của nhãn mác, vì đây là công thức pha để phun cho cây trưởng thành.
Thời kỳ cây con, dù ở vụ nào thì dưa hấu đều hay bị nấm lở cổ rễ gây hại dẫn đến cây con hay bị chết thắt thân. Lưu ý giai đoạn này nên sử dụng các loại thuốc phòng và trị bệnh lở cổ rễ có hoạt chất validacin như các lọai thuốc: Validacin, Validan, Valivithaco,… sẽ an toàn cho cây hơn. Không nên sử dụng các loại thuốc hóa học phòng trừ khô vằn có hoạt chất hexaconazol dụ như: Hexin, Tùng vil, Callihex, Anvil, Antracol…
Chú ý: Khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho dưa hấu cần đi xuôi theo chiều gió, phun ướt đều khắp các bộ phận của cây, phun đẫm gốc với các bệnh liên quan đến rễ. Không nên cầm vòi phun di đi di lại nhiều lần sẽ dễ làm cho cây bị cháy lá do nặng thuốc. Nếu không may phun quá liều cho cây cần khắc phục bằng cách sử dụng các loại phân bón lá có tác dụng ra rễ, nảy chồi phun định kỳ 3-5 ngày/lần cho đến khi cây hồi phục lại bình thường, đồng thời duy trì dưỡng ẩm cho cây với độ ẩm đất 75- 80%.
Trong thời gian úp nụ, cần hạn chế tối đa việc phun thuốc trừ sâu nhất là các loại thuốc có mùi xông hơi mạnh vì sẽ xua đuổi côn trùng có ích( ong, bướm) đến thụ phấn hỗ trợ. Không nên sử dụng các chất kích thích sinh trưởng và phun phân qua lá sẽ làm rối loạn sinh trưởng, cây ra hoa bất thường, quả hay bị biến dạng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, phẩm chất quả dưa. Thời kỳ này, nếu nên thiết phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh thì nên phun vào lúc chiều mát sẽ an toàn hơn vì thời điểm này cây không nở hoa thụ phấn.
Giai đoạn sau trồng 20 ngày trở đi (cây bắt đầu bò đến cuối vụ) dưa hấu hay mắc một số bệnh chủ yếu như: vàng lá, nứt thân chảy mủ, thán thư, phấn trắng do nấm và thối đốt do vi khuẩn. Tất cả các loại bệnh này đều liên quan đến độ ẩm đất, không khí (nấm phát sinh) và mưa lớn (vi khuẩn xâm nhập). Vì vậy, việc phòng bệnh cho dưa là cần thiết và hữu hiệu hơn trừ bệnh. Đồng nghĩa với việc nông dân cần tiến hành phun phòng các loại bệnh trước hoặc sau mỗi trận mưa giông hoặc khi thời tiết âm u, ẩm độ cao kéo dài.
Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu cho dưa hấu nên ưu tiên các dòng thuốc sinh học vừa an toàn vừa tiêu diệt sâu triệt để hơn. Khi sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh cho dưa hấu cần thay đổi luân phiên các loại thuốc để hạn chế tính kháng thuốc của sâu bệnh đồng thời đạt được hiệu quả cao khi phun trừ.
Ks: TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)