Quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có khá nhiều điểm mới.
Năm 2018, Bộ GD&ĐT không quy định chung ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn)
Trong đó, điểm mới được nhiều người quan tâm hiện nay chính là việc Bộ GD&ĐT không quy định chung ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho các trường như năm 2017 trở về trước. Như vậy từ năm 2018, các trường được trao quyền để tự xác định mức ngưỡng tùy theo tình hình tuyển sinh thực tế.
Các trường tự xác định mức điểm sàn
Năm 2017 là năm cuối cùng Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn (mức điểm chung đầu vào) cho tất cả các trường ĐH. Nhưng từ năm 2018, các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) được tự xác định điểm sàn và công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đầu vào và bảo đảm chất lượng giáo dục, Bộ sẽ chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường ĐH,CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Đây được cho là tín hiệu đáng mừng vì như vậy các trường sẽ chủ động hơn rất nhiều so với trước kia, nhưng các thí sinh cần tỉnh táo phân tích, chọn lựa, để tránh nhầm lẫn.
Riêng các trường đào tạo sư phạm cũng có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có 3 năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Để được xét tuyển vào ngành này ở trình độ ĐH, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Trình độ CĐ, trung cấp xét tuyển học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Hạ điểm ưu tiên khu vực
Từ năm 2018, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm. Như vậy, mức điểm chênh lệch này đã giảm 0,25 điểm so với các năm trước là 0,5 điểm. Đồng thời, bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Điều này được cho là bảo đảm sự công bằng hơn giữa các thí sinh ở các vùng miền khác nhau.
Tổng điểm thi không còn làm tròn về mức 0,25
Trước đây, điểm xét tuyển được quy định là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Nhưng từ mùa tuyển sinh năm nay, quy định làm tròn đến 0,25 đối với tổng điểm bài thi đã không còn nữa, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Như vậy, theo quy định mới này, tổng điểm bài thi của thí sinh được cho là sẽ gần như giữ nguyên do đó sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ càng căng thẳng hơn.
Công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm
Các trường cần cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng, bao gồm: Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm, các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo...
Đặc biệt, các trường cần công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành.
Các trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này không được thông báo tuyển sinh. Trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế sẽ bị xử lý vi phạm.
Tuyển sinh nhiều đợt trong năm
Năm 2018, các trường ĐH được tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Đề án tuyển sinh của trường phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 15 ngày.
Mỗi tỉnh, thành một cụm thi
Mỗi tỉnh, thành tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT sẽ điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH,CĐ đến các cụm để phối hợp tổ chức thi.
Cùng với những điểm mới nêu trên, quy chế tuyển sinh năm 2018 cũng đưa ra những quy định kỷ luật thi cử chặt chẽ hơn. Cụ thể, trong năm tuyển sinh 2018, những trường hợp thí sinh bị tước quyền vào học ở các trường ĐH,CĐ và bị tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp theo nếu vi phạm một số lỗi như: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ coi thi hoặc thí sinh khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp…; đồng thời các thí sinh phạm lỗi đó sẽ bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước ngày 20.3.2018, các trường ĐH phải công bố đề án tuyển sinh. Từ ngày 1.4.2018, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2018 và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ đến hết ngày 20.4.2018.
Theo TTXVN