Tình hình dịch ở chúng ta có thể đã có tín hiệu đáng mừng, nhưng dịch bệnh trên thế giới lại đang bước vào giai đoạn đáng sợ...
Đến chiều 1.3, Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 3.700 ca mắc Covid-19, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc ngày 23.2 cũng quyết định nâng cảnh báo về dịch Covid-19 lên mức cao nhất (mức đỏ). Nhiều quốc gia đã dừng nhập cảnh với công dân Hàn Quốc vì lo ngại dịch bệnh.
Số ca nhiễm ở châu Âu cũng đang tăng nhanh, trong đó nhiều trường hợp liên quan đến điểm nóng dịch bệnh tại miền Bắc Italy. Italy ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm, 29 người đã tử vong. Một loạt các quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Croatia, Pháp, Thụy Sĩ và mới nhất là Đức cũng xuất hiện các trường hợp mắc bệnh. Tại Trung Đông, Iran đang là tâm điểm của dịch Covid-19 với gần 600 ca nhiễm và 43 ca tử vong...
Đến ngày 1.3, Trung Quốc ghi nhận gần 80.000 ca nhiễm, 2.870 ca tử vong do Covid-19.
Dịch Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới. Tốc độ phát triển của dịch bệnh đã không dừng tại Trung Quốc, mà thêm một số nước châu Á đã trở thành ổ dịch. Các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu “khủng hoảng” vì dịch, nhiều nước phải tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; nhiều nơi áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới...
Trong một bối cảnh thế giới và khu vực như vậy, Việt Nam liên tục không có ca nhiễm mới từ ngày 13.2 đến nay, cả 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đều đã khỏi bệnh và ra viện, thật sự là một tín hiệu đáng mừng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp và ghi nhận Việt Nam xử lý dịch Covid-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ngay ở giai đoạn đầu của dịch như tăng cường giám sát, bảo đảm phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế...
Để có được một sự “bình yên trong bão dịch” là cả một hành trình không hề ngắn, không hề đơn giản. Những y, bác sĩ ngày đêm chăm sóc người bệnh, nghiên cứu các chế phẩm để chống dịch. Những chiến sĩ quân đội ngày đêm canh gác đường mòn, lối mở ở biên giới để tránh trường hợp nhập cảnh trái phép.
Chiến sĩ nhường phòng ở của mình, ngày ngày nấu cơm phục vụ những người cách ly trở về từ vùng dịch… Nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 được diễn ra từng ngày, cập nhật các biện pháp, chỉ đạo mới nhất, nhanh nhất. Một vấn đề là thời điểm cho học sinh, sinh viên trở lại trường học cũng được “nâng lên, đặt xuống”, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Tất cả đều vì sự an toàn của xã hội và mỗi cá nhân.
Thành quả đã đạt được, sự bình yên nhất định cũng trở lại với xã hội. Tuy nhiên, như những người đứng đầu đất nước và đứng đầu ngành y tế nhiều lần khẳng định, chúng ta không thể một phút lơ là, chủ quan với dịch. Hậu quả mà Hàn Quốc phải đối mặt chỉ vì sự chủ quan là bài học nhãn tiền. Vậy nên, việc một thanh niên Bình Xuyên đi thăm bạn gái đã khiến chính quyền địa phương phải cử xe “áp tải” về nơi cách ly của xã; cả gia đình bạn gái và những người ăn cơm cùng anh này cũng phải cách ly 14 ngày, là điều lẽ ra không nên xảy ra. Hay việc có những người trốn khỏi khu vực cách ly, cũng là điều đáng phê phán.
Cùng với đó, mỗi chúng ta cũng cần luôn nêu cao cảnh giác, không thể thấy dịch vãn mà chủ quan. Hiện có rất nhiều người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Hay việc rửa tay bằng nước sát khuẩn cũng không còn được duy trì thường xuyên. Khá nhiều nhà hàng, cửa hàng cũng xuất hiện tình trạng nhân viên không đeo khẩu trang, “hồn nhiên” nói chuyện với khách…
Ý thức chống dịch dường như cũng đã có dấu hiệu lơi lỏng, đây là điều rất đáng lo. Bởi chống dịch thì lâu, mà tái dịch rất nhanh và dễ dàng. Những thành quả bao người nỗ lực giành được, chỉ vì sự chủ quan của một vài đối tượng, cũng có thể đổ xuống sông, xuống biển.
Tình hình dịch ở chúng ta có thể đã có tín hiệu đáng mừng, nhưng dịch bệnh trên thế giới lại đang bước vào giai đoạn đáng sợ. Vậy nên, chống dịch vẫn phải như chống giặc, một phút cũng không được lơ là!
PHẠM TUYẾT