Một năm người gửi tiền xót xa nhìn lãi suất hạ

22/12/2020 16:05

Nhìn phần lãi tiết kiệm đã mất gần một phần ba, bà Hương, giáo viên về hưu ở Hà Tĩnh, chưa bao giờ thấy lãi suất thấp đến thế.

Sau khi về hưu, nhiều năm nay bà Hương luôn coi khoản tiết kiệm 500 triệu đồng là một nguồn thu nhập để trông vài. Mỗi năm gửi 500 triệu đồng, bà vừa nhận khoản lãi khoảng 35-40 triệu đồng. Tuần vừa rồi, bà đã nhận 34 triệu đồng tiền lãi nhưng đây là hưởng lãi theo mức lãi suất từ cuối năm 2019. Còn cuốn sổ này nếu tiếp tục đáo hạn, bà giáo về hưu chỉ được trả 25 triệu tiền lãi, tức giảm gần một phần ba so với trước. Tính ra mỗi tháng bà thu về chỉ hơn 2 triệu đồng.

Nửa cuối năm ngoái, những người gửi ngân hàng dưới 1 tỷ đồng như bà sẽ được 4 ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank trả mức lãi cao nhất là 7% một năm. Còn tại khối ngân hàng tư nhân, có nơi trả mức lãi lên tới 8,7%. Tuy nhiên, tới nay, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đã giảm hơn 1,5-2,5% và là mức thấp nhất trong lịch sử.

Dù ngán ngẩm khi lãi suất thấp, bà cũng không có ý định dùng số tiền này làm gì khác ngoài việc gửi tiết kiệm, bởi đây là tiền cất riêng lo liệu cho tuổi già. Vì thế, bà chuyển khoản tiền sang gửi ở một nhà băng khác (ít nổi tiếng hơn) nhưng đổi lại lãi suất tốt hơn một chút.

Khách hàng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng tư nhân. Ảnh: Giang Huy.
Khách hàng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng tư nhân

Trong suốt 5 năm từ 2015 đến gần cuối 2019, trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng do Ngân hàng Nhà nước ấn định, được duy trì ở mức 5,5%.

Tới gần cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước giảm mức trần lãi suất này về 5%. Động thái này nằm trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, giảm lãi suất hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, tới tháng 3.2020 – một tháng sau khi Việt Nam có ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước phải hạ tiếp trần lãi suất xuống 4,75%, đồng thời giảm một loạt lãi suất điều hành trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm thấp nhất lịch sử.

Giao thương giữa các nước tê liệt, doanh nghiệp không có đơn hàng, bởi vậy ngân hàng có tiền nhưng không cho vay được. Trước bối cảnh này, tiếp theo đó vào tháng 5 và tháng 10, Ngân hàng Nhà nước hai lần phải giảm trần lãi suất về 4,25% rồi xuống 4%.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, các ngân hàng "thừa tiền" đến mức lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng về gần 0%, mức thấp nhất lịch sử.

Những cột mốc này đánh dấu cho các lần giới ngân hàng thương mại liên tiếp hạ lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh "thừa tiền". Tới nay, lãi suất cho khoản tiền gửi tại quầy dưới 1 tỷ của ngân hàng quốc doanh chỉ dao động 3-5,6%, còn tại khối ngân hàng tư nhân, lãi suất dao động từ 2,35 đến 6,95%. Nếu gửi trực tuyến, khoản tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất tốt hơn, từ 0,1 đến 0,5% tuỳ thuộc vào kỳ hạn và từng ngân hàng.

Trước làn sóng giảm lãi suất, Hoàng Ngân, cũng là một nhân viên ngân hàng, người vẫn đều đặn hàng tháng dành ra 20% thu nhập để gửi tiết kiệm thấy quá sốt ruột. Tính thêm cả giá cả chi tiêu tăng (với mức lạm phát mục tiêu 4%), khoản tiền gửi của cô thực chất chỉ sinh lời được 2-3% một năm. Nhìn sang kênh chứng khoán với những người bạn "ăn bằng lần", cô quyết định trích một phần ba khoản tiết kiệm, bỏ vào tài khoản chứng khoán đã lâu ngày không chạm tới.

Lãi suất tiết kiệm thời gian tới theo dự báo tuy không giảm sâu thêm, nhưng cũng chưa thể bật tăng trở lại. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tín dụng tăng trưởng khả quan hơn trong quý cuối năm nhưng thanh khoản vẫn rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi sẽ vẫn duy trì xu hướng đi ngang trong một vài tháng tới. Điều đó đồng nghĩa với người gửi tiền thời gian tới vẫn sẽ phải chấp nhận mức lãi suất thấp như hiện tại.

Đồng thời với giảm lãi suất tiết kiệm, các nhà băng cũng đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay bình quân 0,6-0,8% một năm so với cuối năm trước, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước. Có thể thấy, việc giảm lãi suất cho vay chưa tương xứng với mức giảm 1,5-2,5% của lãi suất tiết kiệm.

Điều này, theo FiinGroup, đang giúp biên lợi nhuận (NIM) của nhiều ngân hàng được cải thiện. Trong quý III, biên lãi ròng của 21 ngân hàng niêm tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý 2.2020 và có mức tăng theo quý lớn nhất, kể từ quý 1.2018.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một năm người gửi tiền xót xa nhìn lãi suất hạ