Tối 16-6, ngọn lửa SEA Games 28 đã khép lại. Ấn tượng lớn nhất của những người tham dự đó là kỳ đại hội này diễn ra rất fair-play.
Một màn biểu diễn tại lễ bế mạc SEA Games 28 tối 16-6 - Ảnh: N.K
"Không có gì phải phàn nàn về công tác tổ chức cũng như trọng tài SEA Games 28 tại Singapore. Tôi cũng không nghe các quốc gia khác phàn nàn về điều này. Bản thân các trọng tài cũng tỏ ra cầu thị"
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam TRẦN ĐỨC PHẤN
Không tranh cãi về trọng tài
Chúng tôi xin lấy ví dụ nhỏ trong trận bán kết bóng chuyền nữ giữa Việt Nam và nước chủ nhà Singapore diễn ra hôm 14-6. Đầu tiên là tình huống các cô gái Việt Nam đập bóng và trọng tài chính cho rằng bóng đã ra ngoài. Toàn đội Việt Nam phản ứng dữ dội khiến trọng tài chính phải hội ý với các trợ lý và sau đó điểm số được tính cho Việt Nam. Tình huống thứ hai tương tự, các trọng tài cũng trả lại điểm cho Việt Nam sau một cuộc hội ý, chỉ khác ở chỗ phía Việt Nam lần này gần như... phớt lờ và không hề phản đối gì, nhưng các trợ lý trọng tài vẫn tự giác đề nghị trọng tài chính xem xét lại tình huống và trao trả sự công bằng cho các cô gái Việt.
Tất nhiên, các cô gái Việt Nam quá mạnh so với đội bóng chuyền nữ Singapore nhưng không thể phủ nhận sự công tâm từ các trọng tài đã góp một phần vào thắng lợi dễ dàng với tỷ số 3-0 dành cho đội khách.
Đã không hề có sự thiên vị dành cho chủ nhà, điều mà chúng tôi được chứng kiến trong hầu hết khoảng thời gian diễn ra SEA Games 28. Đến dự khán môn pencak silat, môn võ luôn có rất nhiều tranh cãi về công tác trọng tài, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao quốc gia (NSA) Malaysia Ali Mohd Rustam tỏ ra hài lòng dù một võ sĩ nước ông (Ridzuan Arieffudin) vừa bị xử thua sau một pha ra đòn sai luật ở trận bán kết hạng cân nam dưới 50kg.
Ông Rustam nói: “Tình huống đó anh ta xứng đáng bị xử phạt. Tôi không có phàn nàn gì cả về trọng tài trong trận đấu này, cũng như trong rất nhiều trận đấu khác của Malaysia mà tôi chứng kiến ở SEA Games 28. Tôi biết các kỳ SEA Games luôn có tranh cãi nhiều về việc thiên vị chủ nhà, nhưng kỳ này có lẽ là không. Tất nhiên cũng có một số sai sót nhưng đó là điều thông thường khi người ta phải tổ chức một đại hội thể thao với mấy chục môn thể thao và hàng ngàn VĐV như thế này. Nhìn chung công tác trọng tài rất tốt. Các anh có thể nhìn thấy rõ điều đó qua môn bóng đá, Singapore đã bị loại ngay từ vòng bảng”.
Những tấm huy chương “sạch”
Như lời của ông Rustam, SEA Games 28 không tránh khỏi một số tranh cãi. Điển hình như câu chuyện VĐV marathon của Việt Nam Hoàng Thị Thủy cùng một VĐV khác của Thái Lan chạy lạc đường vì cho rằng không có người dẫn đường dù lộ trình rất ngoằn ngoèo phức tạp. “Nhưng đây chỉ là một trong số ít các khiếm khuyết về công tác tổ chức của chủ nhà Singapore chứ không hẳn là sự xử ép” - bà Nu Nu Yee, HLV điền kinh của Myanmar, đánh giá. Bà Yee còn xác nhận một hành động đẹp của VĐV Singapore Ashley Liew, người đã chủ động chờ các đối thủ của mình để dẫn họ đi đúng đường trong cuộc đua marathon. Câu chuyện fair-play này sau đó đã được tờ Straits Times của Singapore bầu chọn là một trong 11 khoảnh khắc khó quên nhất của SEA Games 28.
Các nhà báo nước ngoài cũng có đánh giá tương tự về sự công bằng của SEA Games 28. Ông Prommit, một nhiếp ảnh gia người Thái Lan của hãng máy ảnh Canon, nói: “Tôi từng tác nghiệp ở nhiều kỳ SEA Games trước và lần nào cũng nghe nhiều tranh cãi về trọng tài, nhưng lần này thì rất ít. Theo tôi biết, các VĐV nước ngoài được đãi ngộ hoàn toàn tương đồng với VĐV nước chủ nhà ở SEA Games 28, từ điều kiện tập luyện, ăn uống cho đến di chuyển. Kết quả bảng tổng sắp huy chương cũng cho thấy điều này, Singapore không nhảy vọt một cách khó hiểu như những nước chủ nhà ở các kỳ SEA Games trước đây. Những tấm HCV mà họ giành được phần đông đến từ các môn thể thao vốn là thế mạnh của Singapore, những môn này cũng không có nhiều tranh cãi. Lợi thế lớn nhất mà các VĐV Singapore được hưởng chỉ là sự cổ vũ từ các CĐV nhà”.
Trong tổng số 84 HCV mà Singapore giành được, có đến 67 tấm HCV đến từ những môn thể thao rõ ràng là bơi lội, điền kinh, chèo thuyền, bắn súng, bóng bàn, bowling... Đây đều là những môn thể thao không có yếu tố chấm điểm cảm tính từ trọng tài và sự thiên vị dành cho chủ nhà hoặc o ép đối thủ là gần như không thể.
Cách đây hơn bốn thập niên, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng đưa ra một lời “răn đe” nổi tiếng dành cho các quan chức ngành thể thao Singapore: “Với một quốc gia chỉ có vài triệu dân như Singapore, việc chạy đua theo thành tích, những tấm huy chương trong thể thao sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cái mà người dân chúng ta cần ở thể thao là sức khỏe và sự giải trí” - ký giả người Mỹ Alex Josey ghi lại.
Quan điểm từ vị cố thủ tướng nổi tiếng của đảo quốc sư tử đã được kế thừa triệt để. Thay vì tổ chức một kỳ SEA Games ồn ào với những tranh cãi về huy chương hay trọng tài, chủ nhà Singapore đã tập trung đầu tư tối đa cho khâu tổ chức với những sân đấu hoành tráng, hàng loạt công nghệ tối tân được đưa vào sử dụng...
Có lẽ đây là kỳ SEA Games đàng hoàng nhất trong nhiều năm gần đây.
Lễ bế mạc tưởng nhớ nạn nhân động đất ở Malaysia
Tối 16-6, lễ bế mạc SEA Games 28 diễn ra trên sân vận động quốc gia Singapore đã gây xúc động mạnh khi trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á Tan Chuan-Jin đã bày tỏ lòng tôn kính đến những nạn nhân của vụ động đất tại núi Kinabalu gần Borneo (Malaysia). Vụ động đất này xảy ra cùng ngày với lễ khai mạc SEA Games 28 (ngày 5-6) khiến 18 người thiệt mạng, trong đó có một giáo viên và tám học sinh tiểu học Singapore.
Khoảng 50.000 khán giả đã có mặt ở sân vận động xem buổi lễ bế mạc kéo dài hai giờ. Buổi lễ kết thúc trong màn bắn pháo bông và tia laser rực rỡ.
SEA Games 2017 sẽ do Malaysia đăng cai.
H.D.