Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức được biết đến với những bức ảnh "để đời": "Ngày mùa trên sông Kinh Thầy", "Được nắng"... Nối tiếp niềm đam mê của cha, 3 người con trai ông cũng chọn nghiệp ảnh để gắn bó...
Cha con nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức, Văn Cả Quyết bên
bức ảnh “Lên chốt” in trong cuốn Ảnh Việt Nam thế kỷ XX
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức năm nay 97 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hằng ngày ông vẫn đạp xe cùng chiếc máy ảnh dạo qua các ngõ phố.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức sinh năm 1915 tại Lý Nhân (Hà Nam). Trước cách mạng, ông cùng gia đình sinh sống tại Hà Nội. Do quen biết, lại ham thích nhiếp ảnh, ông trở thành học trò của cụ Võ An Ninh, từng làm việc cho 2 hiệu ảnh nổi tiếng Hà Nội là Hương Ký, Khánh Ký. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia cướp chính quyền ở quê nhà, rồi lên Việt Bắc, sau trở lại Hà Nội hoạt động trong lòng địch, bị lộ rút về Đệ tứ chiến khu Đồng Triều và cuối cùng chọn mảnh đất Kinh Môn làm nơi an cư. Có thể nói, trong suốt quãng đời hoạt động, chiếc máy ảnh là phương tiện, vũ khí để ông ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, cảnh lao động sản xuất và chiến đấu của quân và nhân dân ta thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là vùng đất Kinh Môn. Khi nhắc đến ông, người ta không thể không nói đến những tác phẩm: "Ngày mùa trên sông Kinh Thầy", "Được nắng", "Chiều trên sông Kinh Thầy", "Lên chốt"… Ông cũng là một trong những người có công sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; là hội viên sáng lập Hội Văn học- Nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế, quốc gia. Bức ảnh “Lên chốt” của ông chụp dân quân tự vệ xã Minh Tân (nay là thị trấn Minh Tân) đi tuần tra tại hang Đốc Tít năm 1972 được chọn in trong cuốn Ảnh Việt Nam thế kỷ XX. Khi được hỏi về một kỷ niệm, khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời cầm máy, ông kể: “Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc thì Hải Dương là tâm điểm của các cuộc đánh phá. Hôm đó, sau khi giặc Mỹ ném bom đánh sập cầu Lai Vu, tôi dẫn hơn 20 học viên lớp nhiếp ảnh của tỉnh đi thực địa ghi lại hình ảnh. Trong lúc mọi người còn đang loay hoay chọn các góc cạnh để bấm máy thì tôi thấy đoàn tàu phóng tới. Nhìn cây cầu gẫy vừa được sửa, linh tính nghề nghiệp mách bảo tôi lia ống kính về phía đoàn tàu và bấm máy. Khi về rửa phim thấy hình ảnh đoàn tàu hùng dũng lao qua cây cầu gẫy tôi không kìm nổi sung sướng. Đó là một khoảnh khắc lịch sử tuyệt vời và tôi đặt tên cho bức ảnh là: “Địch đánh ta cứ đi”. Bức ảnh sau này được trưng bày tại nhiều triển lãm và trở thành tư liệu quý của tỉnh”. Ông còn có những bức ảnh về thời kỳ Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch mới bắt đầu xây dựng, bức ảnh du kích Hiệp An bắt sống phi công Mỹ… chưa công bố. Hiện Văn Quang Đức là nghệ sĩ lão thành cao tuổi nhất trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Giờ ở cái ngưỡng trăm tuổi, ông vẫn thường cùng người con trai Văn Cả Quyết rong ruổi xe máy tới các miền quê tìm cảm hứng sáng tác.
Nối tiếp niềm đam mê của cha, 3 người con trai của nghệ sĩ Văn Quang Đức cũng chọn nghiệp ảnh để gắn bó và cả ba đều là các phóng viên ảnh trong quân đội. Các con trai Văn Quang Anh và Văn Quốc Hùng là phóng viên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Phóng viên ảnh Văn Quốc Hùng hy sinh năm 1968 trong khi đang làm nhiệm vụ. Phóng viên Văn Quang Anh nay đã nghỉ hưu và sống tại Hà Nội. Người con út Văn Cả Quyết học chụp ảnh từ những ngày còn nhỏ. Khi gia nhập quân đội năm 1972, Văn Cả Quyết được điều về làm phóng viên ảnh của Đặc khu Quảng Ninh. Năm 1982 anh chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Đóng tàu 200 (Công ty Đường sông số 4 Hải Phòng) đóng tại Kinh Môn. Trong thời gian công tác, mặc dù bận bịu song với niềm đam mê, sự cố gắng tìm tòi, nghệ sĩ Văn Cả Quyết vẫn dành thời gian ghi lại những hình ảnh lao động sản xuất tại đơn vị, trên quê hương và nâng tầm lên thành nghệ thuật. Anh đã khẳng định mình và bước vào làng nhiếp ảnh với nhiều tác phẩm ấn tượng, đoạt nhiều các giải thưởng của trung ương, khu vực, địa phương. Tác phẩm “Hoa hương” nói về nghề làm hương đất Kinh Môn của anh được chọn treo và đoạt giải tại triển lãm ảnh quốc tế “Những hình ảnh được loài người ghi nhận” tổ chức tại Trung Quốc năm 1998. Gần đây nhất là tác phẩm “Tuổi thần tiên” (Tuổi thơ) vừa đoạt giải khuyến khích của Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh đồng bằng sông Hồng vừa đoạt giải C của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn hoc-Nghệ thuật năm 2010. Giải thưởng này đem đến cho anh niềm vui trở thành hội viên chính thức của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tính đến nay nghệ sĩ Văn Cả Quyết cũng đã đạt hơn 60 giải thưởng các loại.
NGỌC HÙNG