Với nhiều khán giả, âm nhạc của những huyền thoại như Bob Dylan, Neil Young hay Fleetwood Mac là vô giá. Thế nhưng, chúng có giá, và thực tế nếu bạn có rất nhiều tiền thì bạn cũng vẫn có thể mua lại chúng.
Universal Music Group đã mua bản quyền hơn 600 ca khúc của Bob Dylan với giá khoảng 500.000 USD một ca khúc
Đầu tư vào bất động sản, vào vàng, vào chứng khoán ư? Cũng hay, nhưng hãy nghĩ đến một hạng mục đầu tư nữa, với mức khấu hao bằng 0, và cũng như đất, giá trị theo thời gian của nó sẽ chỉ ngày càng tăng lên, như là bản quyền toàn bộ nhạc mục của Bob Dylan.
300 triệu USD là số tiền mà Universal Music Group vừa bỏ ra để mua bản quyền hơn 600 ca khúc mà "Bobby" đã viết trong cuộc đời mình, vị chi 500.000 USD cho một ca khúc - một thương vụ mà tờ New York Times gọi là "vụ mua lại bản quyền âm nhạc đắt giá nhất từ trước đến nay".
Không lâu sau đó, huyền thoại folk rock Neil Young cũng bán 50% nhạc mục của mình để đổi lấy 150 triệu USD.
Người mua là Merck Mercuriadis, nhà sáng lập Hipgnosis Songs Fund - một đơn vị chuyên mua bản quyền khai thác âm nhạc, người tự nhận là có tham vọng hủy diệt mô hình xuất bản âm nhạc truyền thống với những ông chủ sở hữu quá nhiều nhạc nhưng không biết làm gì với chúng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Mercuriadis đã bỏ ra 1,7 tỷ USD để có được 57.000 ca khúc của những tên tuổi thượng thặng.
Trong khoảng 2, 3 năm qua, "cơn sốt săn vàng" trở lại và đạt đỉnh vào năm 2020. Nhưng "vàng" lần này là bản quyền âm nhạc. Trong thời điểm ngành công nghiệp biểu diễn đang thịnh vượng bỗng sụp đổ đột ngột như lục địa Atlantis, người ta phải lùng sục những cách khác để kiếm tiền.
Những "thợ săn vàng" giắt "vàng" đầy túi trở về đương nhiên là có lợi rồi, nhưng những nghệ sĩ chấp nhận bán đi tài sản trí tuệ của mình, họ được gì ngoài tiền, ừ thì, rất nhiều tiền?
Với một vài trường hợp như David Crosby, một trong những tên tuổi đáng kính nhất trong làng bô lão nhạc rock còn sống đến ngày nay, thì việc bán tác phẩm đơn giản là vấn đề cơm áo. Ông tự nhận chẳng tiết kiệm bao giờ và sống nhờ lưu diễn, nên lúc này đâu còn cách nào ngoài bán tống bán tháo những đứa con tinh thần.
Nhưng với những người đã bão hòa về tiền, như Bob Dylan hay Neil Young, thì sao? Ngoài việc họ sẽ nhận được hàng trăm triệu USD, đó còn là vấn đề di sản.
Một khi nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra chừng ấy tiền để săn những ca khúc về, những ca khúc ấy sẽ được đem khai thác tối đa để sinh lời bằng cách tăng tần suất xuất hiện của chúng trong văn hóa phẩm đại chúng và ấn phẩm của các nhãn hàng.
Hồi xưa, khi Bob Dylan gửi gắm bài ca phản chiến The Times They Are A-Changin' cho một TVC quảng cáo của một công ty kiểm toán, tờ Time đã viết rằng "thập niên 1960 đã đi qua", tỏ chút luyến tiếc rằng tinh thần âm nhạc ngày nào giờ chỉ còn là cái xác không hồn trong những thước phim cổ xúy tiêu thụ.
Mà ai cũng thế thôi, Satisfaction của The Rolling Stones thì làm nhạc nền cho quảng cáo kẹo, Revolution của The Beatles thì làm nhạc nền cho quảng cáo giày.
Những người thực sự yêu nhạc cảm thấy bị xúc phạm. Họ cảm thấy "chướng" khi Bob Dylan lại trao bản Love sick cho thước phim quảng cáo đồ lót với siêu mẫu Adriana Lima đang uốn éo. Nhưng có lẽ, chính cái cách không lấy gì làm thuận tai thuận mắt ấy là cách di sản âm nhạc được nối dài.
Làm sao âm nhạc có thể tồn tại vĩnh viễn được, nếu như nó chỉ kiêu kỳ xuất hiện ở những khán phòng sang cả hay trong những bộ phim nghệ thuật khó xem? Nó buộc phải thâm nhập vào đời sống "thế tục".
Vì vậy, lần tiếp theo nếu bạn nhìn thấy một bản nhạc của Bob Dylan bị đưa vào một tình huống bi hài, đừng tức giận với ông vì đã "bán rẻ" âm nhạc, vì thứ nhất, nó chẳng rẻ chút nào, và thứ hai, chí ít thì bản nhạc sẽ còn lại cho hậu thế theo cách này hay cách khác.
Theo Tuổi trẻ