Đọc tiểu thuyết lịch sử “Cuộc đời xa khuất” của nhà văn Lê Hoài Nam cho ta cái nhìn tổng quan, mới mẻ hơn về triều đại vua Tự Đức.
Đọc tiểu thuyết lịch sử “Cuộc đời xa khuất” của nhà văn Lê Hoài Nam (Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành quý II.2021) cho ta cái nhìn tổng quan, mới mẻ hơn về triều đại vua Tự Đức. Những đúng - sai, thành - bại, hưng - vong của một triều đại, của từng cá nhân đã được sử sách ghi nhận, lịch sử và nhân dân phán xét. Nhưng còn không ít uẩn khúc về một thời đại đã lùi xa vào dĩ vãng khiến không ít người tò mò.
Theo lời tác giả thì: “Cho đến nay đã hơn một trăm năm nhưng vẫn còn những cách nhìn khác nhau, kể cả những tồn nghi về triều đại ấy. Cái chết của viên quan đầu triều Phan Thanh Giản có nói lên điều gì không? Phụ tướng Nguyễn Văn Tường là một dũng tướng hay kẻ hèn nhát? Hai đấng anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu vì sao lại chọn cái chết trong cô đơn? Mối tình nào bị lên án? Cuộc tình ngoài hôn nhân nào được thể tất, bao dung? Đạo Gia-tô và quân xâm lược Pháp có liên quan gì với nhau không…”.
Tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất” sẽ phần nào giải đáp những băn khoăn của hậu thế về những nhân vật lịch sử bằng cái nhìn khách quan của con người đương đại qua cách hư cấu, sáng tạo trên cơ sở hiện thực lịch sử. Những kiến giải, hư cấu thú vị, hấp dẫn đã chứng tỏ nhà văn Lê Hoài Nam đầu tư công phu, dày công tìm tòi nghiên cứu nhiều năm về triều vua Tự Đức nói riêng và về cả thời đại nhà Nguyễn nói chung.
Sức hấp dẫn của tác phẩm ở chỗ nhà văn Lê Hoài Nam đã lách ngòi bút vào những góc khuất có thể lịch sử chưa chạm tới bằng cách thể hiện độc đáo, sáng tạo. Nhà văn không chỉ chọn phương pháp sáng tác cổ điển, kể chuyện theo lối truyền thống thông thường mà ông kết hợp nhiều phương pháp khác nhau trong một cuốn tiểu thuyết chưa đầy 400 trang với bao sự kiện, bao cuộc đời hiện lên trang sách rất cô đọng, hàm súc, để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc.
Với bút lực dồi dào, linh hoạt, sự am hiểu sâu sắc lịch sử và thơ ca, Lê Hoài Nam khéo léo kết hợp cách dẫn dắt truyền thống với phương pháp hoạt kê tạo nhịp điệu nhanh theo lối viết tiểu thuyết tư liệu cùng phương pháp nghệ thuật huyền ảo hậu hiện đại khi tạo dựng cuộc đối thoại giữa những con người sống cách đây hơn một trăm năm với giới cầm bút đương đại. Cuộc hội ngộ, đối thoại đặc biệt, có một không hai giữa vua Tự Đức, các trọng thần của triều đình nhà Nguyễn như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… với những con người của hôm nay như Giáo sư Phạm Đình Nhã, nhà văn Hải Đăng, tiến sĩ Vũ Thị Hương Giang… qua 5 đêm, được kết cấu như 5 chương của tiểu thuyết. Dù ca ngợi hay phê phán, dù cảm thông hay kết tội thì đó cũng là những cuộc đối thoại rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng, giúp thế hệ hôm nay có cái nhìn thấu hiểu, đúng đắn hơn về một triều đại nhiều giông bão, thời đại phức tạp nhất trong lịch sử nước ta…
Tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất” dựng lại chân dung vua Tự Đức một cách sinh động. Tự Đức là ông vua gây những tranh cãi khác nhau, người cho là thiện, người cho là ác. Nhà văn Lê Hoài Nam xây dựng một hình tượng Tự Đức khiêm tốn, trung thực, có hiếu với cha mẹ, chăm học và đọc sách, say mê thơ phú nhưng cũng không ít bi kịch và đau khổ khi phải gánh “nghiệp chướng” không có con nối dõi tông đường, bị kết tội giết anh, giết cháu; không giỏi về quân sự, không phải là một anh hùng cái thế, mù tịt về kinh tế… Nhưng sự thật lịch sử là Tự Đức đã trị vì kéo dài 36 năm vì đã chọn được những đại thần giỏi giang và trung thành (Trương Đăng Quế, Tôn Thất Thuyết, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm…). Tuy nhiên, số người như thế quả là ít ỏi so với bộ máy quan lại đông đúc lạc hậu, bảo thủ đang bước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, báo hiệu những mục ruỗng không thể cứu vãn.
Tác giả kể chuyện bằng ngôn ngữ của thời hiện đại để tạo sự gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm. Một loạt chi tiết thú vị gây tò mò, lôi cuốn người đọc: Tự Đức thực sự là con ai? (con vua Thiệu Trị hay con đại thần Trương Đăng Quế bị đánh tráo ngay từ khi lọt lòng?); vì sao Lê Thị Ngọc Bình lại trở thành người phụ nữ duy nhất trong lịch sử làm vợ hai vị vua? (vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toàn và vua Gia Long Nguyễn Ánh); Gia Long báo thù Tây Sơn tàn khốc như thế nào?; vụ án Lê Văn Duyệt dưới thời Minh Mạng ra sao?; nỗi hàm oan của Phụ chính Nguyễn Văn Tường; vụ án danh thần Cao Bá Quát (bị triều đình Tự Đức xử hai lần chết); vụ án hối lộ lớn nhất nước ta dưới triều Nguyễn…
Tất cả những vấn đề đặt ra đã được nhà văn Lê Hoài Nam giải quyết tài tình qua 5 đêm hội đàm giữa nhân vật vua Tự Đức, các cận thần của nhà vua - những con người của quá khứ với con người hiện tại. Những đối chất thuận, nghịch có hài hòa, có căng thẳng đã giúp độc giả thu nhận được bao điều bổ ích về lịch sử, về tầm quan trọng của người lãnh đạo, về nhân tình thế thái, về một giai đoạn văn học phát triển rực rỡ…
Tiểu thuyết “Cuộc đời xa khuất” đã góp một tiếng nói, một cái nhìn tương đối khách quan, những phương pháp lý giải logic, giúp các thế hệ hậu sinh có cái nhìn đúng đắn về một thời đại bi thương trong lịch sử dân tộc, để người đọc có cái nhìn công bằng đối với triều đại vua Tự Đức. Tác phẩm cũng truyền đi những thông điệp sâu sắc, những bài học thấm thía, bổ ích trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó chính là tâm huyết và kỳ vọng của nhà văn Lê Hoài Nam khi cầm bút viết nên “Cuộc đời xa khuất”.
TRẦN THỊ LÀNH