Bác Hồ đã viết bài “Một cách giải thích khéo”, nêu tấm gương của một nữ cán bộ tuyên truyền, do có cách giải thích khéo nên ai nghe cũng hiểu.
Ngày 27-11-1951, trên báo Cứu quốc số 1958, với bút danh Đ.X, Bác Hồ đã viết bài “Một cách giải thích khéo”, nêu tấm gương của một nữ cán bộ tuyên truyền, do có cách giải thích khéo nên ai nghe cũng hiểu, cũng vui và khuyên cán bộ tuyên truyền nên học tập.
Theo Bác Hồ, tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Thứ hai là phương pháp tuyên truyền. Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn luôn thống nhất, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động tuyên truyền. Quá trình từ nhận thức đến phương pháp tuyên truyền đều thông qua con người cụ thể. Do đó, người tuyên truyền đóng vai trò có ý nghĩa quyết định.
Trong công tác tuyên truyền, Bác Hồ thường nói: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền; phải biết cách nói. Nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được. Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói qua một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa.
Nhiều lần nói chuyện với anh em cán bộ tuyên truyền, Bác căn dặn: "Anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”. Trong công tác tuyên truyền liên quan đến chính sách đối ngoại, Bác nhắc: "Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh có lợi cho ngoại giao...".
Bác cho rằng, khi tuyên truyền phải nắm vững đối tượng tuyên truyền. Nếu “người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại”. Người cũng lưu ý rằng: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu”. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp. Vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.
Những lời nói, bài viết của Bác Hồ về công tác tuyên truyền là rất gần gũi và phù hợp. Học và làm theo những lời Bác dạy sẽ giúp cho công tác tư tưởng, tuyên truyền ngày càng hiệu quả.
HOÀNG YẾN (biên soạn)