Một bản án 2 năm chưa được thi hành

02/05/2013 09:54

Do không có tiền trả ông Lẩy nên ông Ba đang chây ỳ chưa thi hành án. Thậm chí, ông Ba và ông Lẩy đang có dấu hiệu móc ngoặc để cố tình không trả đất cho bà Lạnh.



Đã 2 năm chưađòi được đất, bà Lạnh phải khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng


Năm 1988, bà Hoàng Thị Lạnh (sinh năm 1967, ở khu Bất Nạo, thị trấn Thanh miện) đi lao động tại Nga. Từ 1988 - 1996, bà Lạnh đã 6 lần gửi hàng và đô-la mỹ (USD) tổng trị giá 13 nghìn USD cho anh ruột là ông Hoàng Văn Ba (sinh năm 1965, ở cùng địa chỉ trên). Năm 1994, ông Ba báo cho em gái biết địa phương bán đất đấu thầu, nên bà Lạnh nhờ anh mua một suất để khi về có chỗ ở. Ông Ba đã mua 100 m2 đất (thuộc tờ bản đồ số 4, thửa số 521) ở trước cổng Trường Tiểu học xã Lê Bình (nay là Trường Tiểu học thị trấn Thanh miện), với giá 75 triệu đồng.

Năm 2004, bà Lạnh nhờ ông Ba đứng tên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Năm 2008, ông Ba tự ý chuyển nhượng QSDĐ cho ông Vũ Quang Lẩy (sinh năm 1973, ở khu 6, thị trấn Thanh miện) với giá 627 triệu đồng. Phát hiện việc này, bà Lạnh về nước và khởi kiện.

Ngày 15-11-2010, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Thanh miện mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp QSDĐ ở và kiện đòi tài sản. Vợ chồng ông Ba cùng người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Lẩy vắng mặt không lý do (mặc dù được tòa triệu tập hợp lệ lần 2). Ông Lẩy cho rằng, thấy mảnh đất trên là hợp pháp của ông Ba nên mới làm thủ tục chuyển nhượng. Tòa đã công bố bản tự khai, biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải và các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án của ông Ba và vợ là bà Phạm Thị Xuyến (sinh năm 1967): Nói vợ chồng tôi mua đất bằng tiền em gái gửi về là không đúng, chúng tôi mua bằng tiền của gia đình và vay mượn thêm. Do đó, đề nghị tòa bác yêu cầu đòi lại đất của bà Lạnh.

Theo bản án số 05/2010/DSST ngày 15-11-2010 của TAND huyện Thanh miện, trong lá thư đề ngày 16-3-1995, gửi cho bà Lạnh, ông Ba viết: Kiện hàng em gửi về anh bán tất cả được 20 triệu đồng. Anh đã bán, cộng với số tiền em gửi về, mua một suất đất, sau này em có về thì dùng, vì anh nghĩ đồng tiền Việt Nam mất giá... Anh cũng viết thư sang hỏi em nhưng không thấy em trả lời, sau đó quyết định thời cơ đến nên anh xin mạn phép em là đã mua rồi, sau này nếu không dùng thì bán vẫn không lỗ, đất mặt đường khu mình chuyển đổi thành thị trấn nên rất đắt. Ông Ba đã thừa nhận phù hợp kết luận giám định chữ viết của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh). Nhiều lá thư khác đã được tòa thu thập cũng chứng minh việc ông Ba nhận tiền và mua đất cho bà Lạnh. Ông Hoàng Văn Thể là con bác ruột, ông Sáp là chú ruột ông Ba cũng khai: Thời điểm đó, ông Ba cùng mẹ và em ruột nói, bà Lạnh nhờ mua đất. Ông Chiến là cán bộ địa chính xã khi đó cũng xác nhận điều này. Những người làm trưởng thôn, trưởng khu Bất Nạo từ năm 1993 (thời điểm ông Ba mua đất) đến năm 2010 (thời điểm diễn ra phiên tòa) xác nhận, khi mua đất, vợ chồng ông Ba làm ruộng nên điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Từ những căn cứ trên, TAND huyện Thanh miện xác định, ông Ba mua đất hộ bà Lạnh bằng nguồn tiền và hàng bà Lạnh gửi về. Ông Ba cũng không thể chứng minh được nguồn tiền mua đất lấy ở đâu. Ông Ba chuyển QSDĐ cho ông Lẩy khi biết đất là mua cho bà Lạnh, đã không trung thực, không tôn trọng đạo đức, truyền thống của người Việt Nam. Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Ba và ông Lẩy là vô hiệu. Buộc ông Ba trả lại bà Lạnh 100 m2 đất, trả ông Lẩy 950 triệu đồng tiền đất (thời giá năm 2011).

Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, các đương sự đều chống án. Ông Ba, ông Lẩy không đồng ý trả đất. Bà Lạnh không đồng ý trả ông Lẩy hơn 3,6 triệu đồng tiền vượt lập mảnh đất, cũng không đồng ý trả ông Ba công quản lý đất mỗi năm 10 triệu đồng (tổng cộng 140 triệu đồng). Ngày 25-3- 2011, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Lúc này, do giá đất biến động nên Hội đồng cấp phúc thẩm đã thành lập Hội đồng định giá lại, thì mảnh đất trên đã là 1,9 tỷ đồng. TAND tỉnh căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và thu thập, tiếp tục tuyên vô hiệu với hợp đồng chuyển nhượng đất. Buộc ông Ba, ông Lẩy phải trả đất cho bà Lạnh; ông Ba phải trả ông Lẩy 627 triệu đồng và trả thêm 1 tỷ 273 triệu đồng tiền chênh lệch do lỗi của mình gây ra. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, ông Ba, ông Lẩy đều không nhất trí với bản án tuyên.

Theo Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Thanh miện, quá trình thi hành án gặp rất nhiều khó khăn do ông Ba, ông Lẩy chống đối quyết liệt. Ông Vũ Đức Hân, chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh miện (phụ trách hồ sơ) cho biết, đây là vụ án có nhiều đương sự phải thi hành án, các đương sự đã tìm cách chống đối, gây khó khăn. Để tránh phát sinh những khiếu kiện sau này, các trình tự thủ tục cần phải tiến hành chặt chẽ để bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Viết Bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện giải thích thêm tại sao bản án đã 2 năm chưa được thi hành: Đây là vụ án liên quan đến người thứ 3 nên khá phức tạp. Huyện đã từng cưỡng chế thành công nhiều việc tương tự, do đó, việc này cũng không quá khó khăn, song phải tiến hành bình tĩnh, thận trọng. Có thể thấy, vụ việc đã được tòa án 2 cấp tuyên hợp đồng mua, bán đất là vô hiệu, buộc ông Ba phải trả lại ông Lẩy 1,9 tỷ đồng là đã bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho ông Lẩy. Nhưng đến nay ông Lẩy chưa có đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục THADS, thì tự ông Lẩy đã tước bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Còn ông Ba, ông Lẩy trả lại đất cho bà Lạnh là phải thi hành phần nghĩa vụ khác trong bản án. Nhiều ý kiến cho rằng, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền trả ông Lẩy nên ông Ba đang chây ỳ chưa thi hành. Thậm chí, ông Ba và ông Lẩy đang có dấu hiệu móc ngoặc để cố tình dây dưa. Các cơ quan chức năng của huyện Thanh miện phải tích cực hơn nữa trong tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS huyện quyết định việc cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một bản án 2 năm chưa được thi hành