Một bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh

24/03/2013 06:13

Bắt gặp bài thơ Quê ngoại của Lê Hướng Quỳ trên báo Hải Dương năm 1999, tôi bị lôi cuốn bởi nhạc điệu trong bài thơ và hình ảnh ngôn từ về những địa danh Diêm Phố, Lạch Trường, Hòn Né, Hòn Nẹ và những cụm từ gió hú, lênh đênh, sóng duềnh... Những thanh bằng, trắc nối nhịp trong khổ đầu bài thơ bảy chữ đầy hoài niệm và nhạc tính.

"Tuổi thơ/theo mẹ/về Diêm Phố" nhịp thơ như những bước đi lon ton của đứa trẻ đi sau mẹ về quê ngoại. Tôi như đuổi theo ấn tượng của mình với những địa danh thật gợi Diêm Phố, Lạch Trường. Nghe sao thật thăng trầm. Diêm Phố có lẽ là phố nghèo của dân diêm (dân làm muối) mà thành địa danh chăng?

"Lạch Trường/gió hú/biển mênh mông", với những thanh âm bằng trắc, dồn nhịp cho tôi cảm nhận thiên nhiên thật hoang dã, dấu vết con người như tan hòa, như choáng ngợp trước biển.

Những dấu chân xưa là những dấu chân trong tâm thức in trên cát vàng cùng với vỏ sò, vỏ ốc ngày xưa. "Lạch Trường" đã gợi sự hun hút hoang sơ, thì "gió hú" bổ trợ thêm cho hình ảnh này và gió hú trên "biển mênh mông" thì thách thức con người đến nhường nào, phải tranh đấu cho cuộc sống đến nhường nào.

"Hòn Né/lênh đênh/xa/Hòn Nẹ". Hai hòn đảo nhỏ trên biển quê hương tác giả, như là hai từ láy "Né", "Nẹ" nghe dân dã cổ xưa, được đặt ở vị trí đầu và cuối câu thơ sao mà bấp bênh, như trôi dạt trên biển, lại nối bằng hai từ "lênh đênh" nữa, khó có thể nào cho ta cảm nhận hơn thế hình ảnh về sự vất vả đời này qua đời khác của người dân miền biển...

Đứng trước biển hoàng hôn, nỗi buồn như tự thuở hồng hoang dội vào lòng. Vậy mà ở đây còn những kỷ niệm về tuổi thơ với những vỏ sò, vỏ ốc đã nhuộm màu thời gian. Những dấu chân cát đã xóa nhòa từ xa xưa, chỉ hai từ đối nghịch bằng trắc "còn, hết..." đã nhói vào lòng ta nỗi vô thường. Như báu vật, "trăng thượng huyền"  mỏng mảnh hôm nay còn đây, gợi nhớ người con gái thương mến năm nào cùng vô tư lự, đắp cát xây lâu đài mơ ước...

"Nỗi nhớ/đu đưa lời sóng biển" khi triều duềnh, lời sóng gọi nỗi nhớ như lời ru. Hai từ "đu đưa" gợi nhạc, gợi hình và cảm giác của đánh võng tuổi thơ và ta cũng như (bị) đu đưa trước những cơn sóng biển. Lời sóng biển như lời ru từ tuổi thơ tiềm thức, gọi về những nỗi niềm đau đáu trước hiện thực còn quá đỗi nhọc nhằn.

"Nắng ong se nại..." (nại là sân phơi muối gọi theo từ địa phương rất gợi tựa như nói về sự nhẫn nại của nghề làm muối) gợi nhạc nhịp, gợi hình ảnh và gợi cả cảm giác về sự lao động vô cùng vất vả với cái đích thật quá giản dị: mưu sinh. "Phơi sinh kế" là hình ảnh đầy trắc ẩn, phơi người dưới cái nắng ong ong miền biển, phơi giữa cuộc đời, để chắt chiu từng hạt muối cho đời, cho mình.

"Bãi cát thênh thang/biển lấn rồi" sự thảng thốt như mất mát không phải chỉ bãi cát thân quen mà mất đi những cảnh vật vô hình, rất cổ tích, mặn vị mồ hôi, nước mắt... những hình ảnh thực và ảo, thơ mộng và trần trụi đan xen chồng lớp lên câu thơ. Và tác giả  "... ngơ ngác tìm hoa biển" loài hoa truyền thuyết mang đến hạnh phúc mà tuổi thơ từng hoài tưởng.

Câu thơ cuối Quê mẹ ơi! được ngắt dòng như tiếng nấc nghẹn, tiếng gọi thiết tha từ trái tim yêu đến mảnh đất cội nguồn.

Và dư ba của tiếng "sóng vỗ lòng con" chừng như cũng dội vào lòng người đọc tình yêu quê hương đất nước, còn nghèo lắm, còn vất vả lắm, mà thương mến biết bao.

ĐỖ MINH THÚY

                         Quê ngoại

Tuổi thơ theo mẹ về Diêm Phố
Lạch Trường gió hú biển mông mênh
Hòn Né lênh đênh xa Hòn Nẹ
Kỷ niệm triều dâng sóng vỗ duềnh

Dấu chân còn, hết... vàng trong cát
Vân sò, ngao, ốc... nhuộm màu mưa
Lâu đài cát đổ tràn biển gió
Trăng thượng huyền trong mắt em xưa
Nỗi nhớ đu đưa lời sóng bể
Nắng ong se nại (*) muối quê nhà
Da người sạm nắng phơi sinh kế
Ngư thuyền bươn trải sóng khơi xa
Phố biển giờ đây chen chợ cá
Bãi cát thênh thang biển lấn rồi
Con về ngơ ngác tìm hoa biển
Sóng vỗ lòng con
                     Quê mẹ ơi!
                                                        (1998)

-----------------
(*) Sân phơi muối

LÊ HƯỚNG QUỲ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh