Lần thứ tư út nói “hủy vé rồi chị ạ” bằng cái giọng nghèn nghẹn rưng rưng. Út đi xuất khẩu lao động đã hơn ba năm bên Nhật nhẽ ra năm nay được về sum họp với gia đình.
Nhưng chẳng ai ngờ dịch Covid-19 dai dẳng, công việc bấp bênh, ở không xong mà về không được. Ở Nhật Bản, tình hình dịch bệnh lây lan đến chóng mặt. Mẹ tôi chẳng đêm nào ngủ ngon giấc. Vì trong số hàng nghìn người Việt bị kẹt ở Nhật có hai đứa con trai của mẹ. Chưa bao giờ đường trở về nhà đối với những người con xa quê lại khó khăn đến thế. Dịch bệnh, phía nghiệp đoàn không hỗ trợ vé về như trong hợp đồng đã ký. Ai muốn về đều phải tự bỏ tiền túi ra mua vé. Cuối năm ngoái, ngay khi mở lại đường bay quốc tế, út tìm mọi cách để có thể đặt được vé về. Nhưng hết lần này đến lần khác hy vọng được về nhà của út bị dập tắt. Gọi video trò chuyện, út chỉ vào chiếc va li đã chuẩn bị sẵn ở góc phòng bảo: “Quà cho từng người đã gói ghém kỹ càng. Chỉ chờ có vé là về được luôn”. Thuốc khớp cho bố, máy đo huyết áp cho mẹ, quần áo cho cháu, mỹ phẩm cho các chị. Cả hai chiếc đồng hồ út mua tặng anh rể và em vợ nằm im lìm trong đó, thời gian vẫn lặng lẽ trôi đi theo từng chiếc kim giây. Thời gian xa nhà được tính bằng bốn cái Tết trôi qua. Bằng những đám ma của ông bà, người thân, làng xóm. Những đồng tiền kiếm được bằng mười mấy tiếng một ngày ngâm mình trong mưa tuyết ngoài trời càng trở nên đắng đót.
Người thân của tôi đều là vì mưu sinh mà phải tha phương. Nhiều năm ở xứ người mới nhận ra: “Cơm người khổ lắm ai ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Không có vùng đất hứa nào đang chờ đợi như lời của những người môi giới lao động đi xuất khẩu. Đơn nông nghiệp không phải được làm việc trong nhà kính, sạch sẽ và ấm áp. Cũng đồng ruộng, cũng trồng rau, cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời như ở quê nhà vậy. Những bữa cơm trưa ăn vội vàng giữa đồng có khi nấc nghẹn. Trên Facebook của út chẳng có bức ảnh sống ảo nào trong suốt mấy năm đi làm ăn xa. Chỉ thỉnh thoảng thấy khoe mảnh vườn nhỏ sau phòng ở. Những hạt giống quê nhà gửi sang sẽ nảy mầm ở đó. Rau muống, dưa chuột, rau dền, cải cúc. Để bữa cơm nào cũng thấp thoáng hương vị quê nhà út trồng thêm thì là, húng quế, kinh giới, tía tô… đủ cả. Út nói nhiều hôm đi làm về mệt ra hái nắm mồng tơi nấu bát canh mà nhớ ngày xưa quá. Có hôm lên rừng xin được ít măng mang về ngâm tỏi ớt út cũng gọi khoe. Món đó út nghiện lắm, mùa măng nào nhà cũng có vài lọ do bố tự tay làm. Trời thì lạnh. Măng thì cay. Ở xứ người ăn bát cơm có khi trào nước mắt. Thỉnh thoảng út gọi chỉ để bảo “thế là em sắp được về nhà”. Nhưng dịch lại bùng phát. Ngày về xa hơn. Lần nào thắp hương, mẹ cũng xin tổ tiên phù hộ cho các con mình. Bà nội thì ngày càng yếu đi, tuy đã lẩn thẩn nhưng luôn nhớ mình có hai đứa cháu xa nhà. Thấy ai đến chơi bà cũng hỏi: “Bao giờ hai đứa nó về?”. Mỗi lần các cháu gọi điện về là bà lại lau nước mắt: “Chúng mày nhớ về nhanh kẻo bà không đợi được”.
Anh tôi ít nói về nỗi buồn nhưng cũng không giấu nổi sự hoang mang. Khi hằng ngày phải di chuyển bằng tàu điện ngầm đông đúc đến chỗ làm. Điều khiến anh thấy gần gũi nhất ở nơi xa xôi ấy chính là những người già. Cho dù họ đã gần đất xa trời nhưng hằng ngày vẫn hăng say làm việc. Họ luôn nhìn cuộc sống tích cực, truyền cho người trẻ nguồn năng lượng sống đã tích cóp cả đời. Họ luôn nói đông qua xuân đến. Khó khăn rồi cũng sẽ lùi lại phía sau. Con người ta dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải có niềm tin. Như tôi tin một ngày gần nhất dịch bệnh sẽ hết, những chuyến bay sẽ được cất cánh. Để không có đường biên nào ngăn cách chúng ta…
VŨ THỊ HUYỀN TRANG