Mong manh hy vọng về “sự sống” của Hiệp định Paris

16/12/2019 22:12

Nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã không thành công.

Các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 25) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung sau hai tuần thảo luận. Điều này đồng nghĩa với việc mọi vấn đề còn dang dở sẽ được tiếp tục thảo luận và giải quyết tại COP 26, dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh vào năm 2020.


Các quốc gia có lượng khí thải lớn đã không tìm được tiếng nói chung

Cảnh báo đỏ về tác động của biến đổi khí hậu

Tình trạng biến đổi khí hậu kéo theo nước biển dâng và những đợt thiên tai mỗi năm một khắc nghiệt đang gõ cửa từng nhà, từng vùng, từng quốc gia và từng châu lục. Đó là những gì Trái Đất trải qua khi nhiệt độ mới chỉ tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Thế kỷ XXI đã chứng kiến 18/19 năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó có năm 2019.

Chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng như trong năm 2019 được phản ánh một cách rõ nét với các vụ cháy rừng từ Bắc Cực và rừng nhiệt đới Amazon cho tới Australia cùng những siêu bão gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực nhiệt đới, những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay CHDC Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ...  Năm 2019 cũng là năm mà làn sóng kêu gọi tăng cường nhận thức và hành động chống biến đổi khí hậu trong cộng đồng tăng cao chưa từng có.

Hiện người dân và nhà chức trách của nhiều quốc gia vẫn đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng từ tác động ngày càng gia tăng do Trái Đất ấm lên.

Các nhà khoa học cũng tiếp tục phát đi những cảnh báo đỏ về tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của LHQ ngày 26-11 chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Nhưng mục tiêu này dường như "bất khả thi" khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới. Nguy cơ hệ thống khí hậu của Trái Đất bị đẩy vào thảm kịch trở thành "hành tinh nóng không thể sống nổi" là có thật.

Các nhà khoa học Pháp, Mỹ và Canada đã cảnh báo nếu lượng khí thải tiếp tục tăng mạnh, gần 90% dân số thế giới (khoảng 7,2 tỷ người) có nguy cơ bị mất sản lượng trong cả ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Các nhà đầu tư châu Âu cảnh báo rủi ro từ biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn hơn một cuộc khủng hoảng tài chính. Theo báo cáo thường niên của Lancet Countdown, một liên minh gồm 35 tổ chức, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB), biến đổi khí hậu sẽ làm tổn hại sức khỏe của cả một thế hệ, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm gây chết người, thậm chí là các tổn thương về thể chất và tinh thần do lũ quét và cháy rừng.

Không những thế, biến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 7.900 tỷ USD vào năm 2050 do hạn hán, lũ lụt và các vụ mùa thất thu ngày càng gia tăng làm cản trở tốc độ tăng trưởng và đe dọa hạ tầng cơ sở. Theo báo cáo phân tích công bố hồi cuối tháng11, dựa trên chỉ số ứng phó biển đổi khí hậu của Cơ quan Tình báo kinh tế (EIU), để duy trì nhiệt độ ấm lên của Trái Đất ở mức không quá 2 độ C và nếu có thể là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nền kinh tế toàn cầu phải giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề gây tranh cãi vì những nước đang phát triển cho rằng nền kinh tế tăng trưởng của nước họ không nên phải hứng chịu sau hàng thập kỷ sử dụng các nhiên liệu hóa thạch của các nước giàu. Do vậy, EIU cho rằng để giải quyết những tác động do biến đổi khí hậu gây ra cần tới sự phối hợp toàn cầu.

Những nỗ lực khó khăn

Trên thực tế, mục tiêu của Hiệp định Paris được 197 quốc gia ký kết năm 2015 và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn.

Thời gian qua, để có thể thực hiện Hiệp định Paris, các bên đã nỗ lực tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, tuy nhiên vẫn còn hai vấn đề tồn đọng. Trước tiên phải kể đến cấu trúc của các thị trường carbon và làm sao để kiểm soát "tín dụng" carbon tích lũy theo Nghị định thư Kyoto sau khi kích hoạt Hiệp định Paris. Đây là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa một bên là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là Brazil với một bên là các quốc gia giàu có phản đối chuyển tiếp các mức tín dụng cũ sang hiệp định mới và quan ngại về tác động môi trường của cách tính toán này. Chuyên gia Lambert Schneider từ Viện nghiên cứu Oeko-Institut ở Berlin cho rằng nếu các thị trường carbon không được thiết kế một cách hợp lý thì có thể dẫn tới tác động ngược, khiến tổng lượng khí thải toàn cầu cuối cùng lại tăng lên.

Vấn đề thứ hai và cũng có thể là điểm mấu chốt quyết định các quốc gia liệu cuối cùng có thể nhất trí một văn kiện hay không, đó là "tổn thất và thiệt hại". Theo Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, thông qua năm 1992, các quốc gia giàu có thống nhất gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn trong hạn chế nhiệt tăng toàn cầu và để giúp đỡ các nước đang phát triển chuẩn bị cho những tác động không tránh khỏi trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều khoản nào về hỗ trợ cho các nước hiện đang phải đối phó với nạn hạn hán, lũ lụt và mưa bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu, như Mozambique và những đảo quốc nhỏ gần như biến mất dưới nước biển. Một cơ chế mới từng được thiết lập vào năm 2012, với mức thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ USD/năm tính tới 2025, thì tới nay vẫn chưa thống nhất được nguồn gây quỹ hỗ trợ hay khẳng định việc hỗ trợ này là cần thiết.

Trong khi các bên chưa biết liệu cuối cùng có thể đi đến một thỏa thuận nhằm thực thi Hiệp định Paris hay không, thì bản thân hiệp định cũng không ít lần nhận những cảnh báo rằng "không đủ" để đảo ngược quá trình biến đổi khí hậu. Giới khoa học cho rằng, theo những gì mà các quốc gia cam kết trong hiệp định, Trái Đất sẽ nóng lên 3 độ C. Tiến sĩ Mai Thanh Truyết - nhà nghiên cứu về môi trường ở bang Texas, Mỹ - bày tỏ hoài nghi về "sự minh bạch của các nước trong thực hiện cam kết", dù những cam kết này đều có tính ràng buộc. Một điểm yếu nữa phải kể đến là theo Hiệp định Paris, các quốc gia không phải xem xét lại cam kết cắt giảm khí thải carbon cho tới năm 2020 và sau đó cũng không có nghĩa vụ phải củng cố những cam kết này. Giám đốc chính sách và chiến lược của Liên minh các nhà khoa học biến đổi khí hậu Alden Meyer cho rằng loài người đang tiến tới "một thảm kịch khí hậu trong cơn mộng du" và đây là lúc cần phải thức tỉnh.

COP 25 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Trong bối cảnh, nhiều quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, Hội nghị COP 25 với sự tham gia của giới lãnh đạo 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021, là sự kiện được trông đợi sẽ chứng kiến những cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, sau 2 tuần nhóm họp tại Madrid của Tây Ban Nha, ngày 15.12, Hội nghị COP 25 đã khép lại với một tuyên bố khiêm tốn, dừng ở sự thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, và nếu có thể là 1,5 độ C.

Các cuộc đàm phán kéo dài thêm 2 ngày qua tại Madrid được xem là cuộc thử nghiệm ý chí tập thể của chính phủ các nước với lời khuyên của các nhà khoa học về việc cắt giảm khí thải nhà kính nhanh hơn để ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Tuy nhiên, việc nhiều nước lớn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia chống lại áp lực phải tăng cường các nỗ lực chống hiện tượng Trái Đất ấm dần lên, đã gây ra sự chỉ trích của các nước nhỏ hơn và các nhà hoạt động môi trường. Bởi các nước nhỏ mong muốn cam kết mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải từ chính những nước phát thải nhiều nhất thế giới nói trên.

Mặc dù đã nỗ lực hoàn tất một bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, và nếu có thể là 1,5 độ C, các quốc gia tham dự COP 25 tại Tây Ban Nha vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý các thị trường carbon. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu.

Việc hội nghị COP 25 chưa hoàn tất một bộ quy tắc đối với các những kết cắt giảm khí carbon mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa khí thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C tiếp tục cho thấy những khó khăn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ sự thất vọng về kết quả của Hội nghị COP 25, coi đây là cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất. Trong tuyên bố đưa ra ngay sau khi hội nghị COP 25 kết thúc, Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh: 'Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Còn theo nhận định của ông Mahamed Adow,  Giám đốc Power Shift - một tổ chức chống biến đổi khí hậu, việc các nước chưa thể hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại COP 25 lần này cho thấy hy vọng về “sự sống” của Hiệp định Paris ngày càng mong manh khi "nhịp đập của trái tim Hiệp định Paris đang yếu dần đi".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong manh hy vọng về “sự sống” của Hiệp định Paris