Yêu mến và gắn bó, nhiều độc giả đã tự bỏ tiền đặt báo Hải Dương. Với họ, tờ báo Đảng địa phương là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Đọc báo Hải Dương là thói quen hằng ngày của cụ Nguyễn Công Là, 85 tuổi, ở phố Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương)
Sáng hằng ngày, cụ Nguyễn Công Là, 85 tuổi, ở phố Bùi Thị Cúc (TP Hải Dương) có thói quen xem ti vi, đọc báo. Tờ báo cụ Là đặt mua, theo dõi gần 10 năm qua chính là 2 ấn phẩm báo Hải Dương và Hải Dương cuối tuần. Cụ Là vốn quê ở huyện Thanh Hà. Xa quê nhiều năm, khi còn trẻ mải làm ăn lo kinh tế gia đình, lúc về già đi lại khó khăn nên cụ Là ít có dịp về thăm quê. Để biết thêm thông tin về quê nhà, ngoài việc hỏi thăm từ người thân, bạn bè, thì từ năm 2000 cụ Là đã tìm đến báo Hải Dương, đặt mua và coi đó như chiếc cầu nối giữa cụ với quê hương.
Việc đọc báo Hải Dương là thói quen hằng ngày nhiều năm qua của cụ. Mỗi số báo, cụ đều đọc kỹ từng trang, từng chuyên mục. Nhờ đó, cụ Là nắm được tình hình phát triển của tỉnh, của các địa phương, nhất là vùng quê vải Thanh Hà - nơi cụ sinh ra, lớn lên. "Mỗi khi đọc thấy thông tin tích cực về huyện, xã trên báo tôi rất vui, thấy thân quen, ấm áp. Tuổi già tinh thần là quan trọng nhất, khi mình tìm được niềm vui qua mỗi trang báo thì nỗi nhớ quê cũng bớt nhiều", cụ Là nói. Cụ Là không có lương hưu, song từ nguồn hỗ trợ, chu cấp của các con, mỗi tháng cụ đã dành ra mấy chục nghìn đồng để đặt mua báo.
Cụ Lê Xuân Thọ ở phố Tam Giang (TP Hải Dương) năm nay 96 tuổi và có hơn 40 năm đọc báo Hải Dương. Cụ Thọ quê gốc ở xã Thúc Kháng và có nhiều năm công tác ở huyện Bình Giang. Khi còn công tác trong ngành ngân hàng, cụ thường xuyên đọc báo Hải Hưng do cơ quan đặt. Sau khi nghỉ hưu cụ Thọ vẫn tiếp tục đón đọc báo Hải Dương mỗi ngày. Cụ cho biết mỗi khi thấy thông tin về quê hương Bình Giang trên báo, cụ đều đọc rất kỹ. Qua báo Hải Dương cụ biết được Bình Giang giờ đã phát triển rất nhiều, huyện đã được công nhận huyện nông thôn mới; tỉnh đang triển khai xây dựng nút giao đường 392 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... “Tôi có đặt thêm 1-2 tờ báo khác nhưng riêng báo Hải Dương không số nào tôi không đọc”, cụ Thọ nói.
Không chỉ người cao tuổi, năm 1998 khi thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn (Cẩm Giàng), ông Nguyễn Văn Mịch đã bớt một khoản từ lương cá nhân để đặt báo Hải Dương. Ông đặt tất cả các ấn phẩm. Tháng 4.2009, khi báo điện tử Hải Dương ra đời, ông Mịch vẫn không bỏ các ấn phẩm báo in. Ông đặt mua đều đặn, thường xuyên đọc các tin, bài liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo vị Giám đốc HTX này, trong hơn 20 năm làm dịch vụ nông nghiệp, báo Hải Dương giúp ông có thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ứng dụng giống cây mới, mô hình hay vào sản xuất. Nhờ các thông tin kịp thời từ báo mà ông đã nắm được chủ trương, chính sách để thực hiện, tuyên truyền, phổ biến lại cho bà con xã viên. Hiện mỗi ngày ông Mịch đều dành 30 - 45 phút để đọc báo Hải Dương. Ngoài báo in, ông Mịch cũng thường xuyên đọc những thông tin mới trên báo điện tử.
Còn nhiều độc giả khác cũng đặt mua báo Hải Dương. Sự tin yêu, trân quý của độc giả là món quà vô giá để những người làm báo Hải Dương tiếp tục cố gắng hơn nữa.
TRƯƠNG HÀ