Khó xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo cụm, vì sao?

25/10/2017 08:00

<b>Xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng hiện nay việc xác định vị trí xây dựng nhà máy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.</b><br>


Hiện mới chỉ có 60% lượng rác thải trong toàn tỉnh được thu gom, xử lý bằng hình thức chôn lấp

Yêu cầu cấp thiết

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày các địa phương trong tỉnh phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt (RTSH), trong đó mới có khoảng 60% rác thải được thu gom, xử lý bằng hình thức chôn lấp tạm thời. Nhiều bãi chôn lấp RTSH được xây dựng, vận hành không đúng quy chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí. Do chưa triển khai đồng bộ, nhiều địa phương xuất hiện các điểm chôn lấp rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường rất khó giải quyết. Đặc biệt, diện tích đất dành cho việc chôn lấp rác ngày càng hạn chế. Kinh phí đầu tư cho thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xây dựng bãi rác tập trung ngày càng lớn. Vì vậy, xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung sẽ đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo Đề án “Thu gom, xử lý RTSH khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”, đến hết năm 2017 tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường APT - Seraphin và nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (trước đây là Công ty CP Môi trường Tình Thương); kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý RTSH tập trung cho thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn (mỗi nơi 1 nhà máy) và cụm 3 gồm các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang (chung 1 nhà máy). Năm 2018 sẽ tiếp nhận và xử lý toàn bộ RTSH của TP Hải Dương và khoảng 75% lượng RTSH phát sinh của các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành tại các nhà máy xử lý rác ở xã Việt Hồng; tiếp nhận và xử lý khoảng 80% RTSH phát sinh của các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng tại nhà máy xử lý của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý RTSH tập trung cho thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn và các huyện thuộc cụm 3. Phấn đấu hết năm 2018 tỉnh ta sẽ có ít nhất một trong hai cụm huyện này có nhà đầu tư thực hiện xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Theo đề án, đến năm 2020 tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng các nhà máy xử lý RTSH tập trung theo cụm, đóng cửa các bãi chứa rác thải tạm thời, toàn bộ RTSH sẽ đưa về các nhà máy xử lý bằng phương pháp đốt.

Khó tìm vị trí

Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 2 nhà máy xử lý RTSH đặt ở các huyện Thanh Hà và Bình Giang. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương tại xã Việt Hồng (Thanh Hà) có công suất xử lý khoảng 160 tấn/ngày. Hiện tại, công ty mới chỉ tiếp nhận, xử lý RTSH của TP Hải Dương và một số xã thuộc huyện Kim Thành. Nhà máy xử lý RTSH của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Ngoài thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, đơn vị này còn xử lý RTSH cho thị trấn Kẻ Sặt và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Bình Giang. Ngoài 2 nhà máy trên, một số địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng lò đốt rác quy mô nhỏ nhưng hiệu quả xử lý thấp, không phải là giải pháp lâu dài cho vấn đề này.

Theo Đề án “Thu gom, xử lý RTSH khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”, căn cứ địa giới hành chính và các quy hoạch hệ thống đô thị, xã nông thôn mới, giao thông kết hợp khoảng cách tương đối giữa các huyện cũng như bán kính phục vụ của nhà máy xử lý, việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sẽ được phân thành các cụm. Cụm 1 gồm các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Nam Sách và TP Hải Dương; cụm 2 gồm Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện; cụm 3 gồm các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ và Ninh Giang. Riêng thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn sẽ đầu tư xây dựng mỗi nơi 1 nhà máy xử lý RTSH.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương vẫn chưa lựa chọn được địa điểm đặt nhà máy một phần do người dân phản đối, một phần do lãnh đạo một số địa phương chỉ muốn xử lý rác thải gói gọn trong phạm vi từng huyện, không đồng ý với phương án xử lý theo cụm. Theo tính toán của các chuyên gia, lượng rác thải phát sinh của từng địa phương không bảo đảm hiệu quả cho việc đầu tư riêng từng huyện. Hiện tại, lượng rác phát sinh của các địa phương trung bình khoảng 50 tấn/ngày trong khi các nhà máy xử lý RTSH chỉ bảo đảm hiệu quả đầu tư với lượng chất thải được xử lý đạt trên 100 tấn/ngày. Vì vậy, ý tưởng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý theo từng huyện chưa khả thi vào thời điểm hiện tại. Cũng vì chưa có địa điểm đặt nhà máy nên việc giới thiệu các doanh nghiệp có chủ trương đầu tư vào lĩnh vực này cũng chưa thực hiện được.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo cụm, vì sao?