Giảm rác thải nhựa trong ngành y tế

12/09/2019 08:30

Thời gian qua ngành y tế đã có nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải.

Nhiều cơ sở y tế đã phân loại rác thải theo quy định. Trong ảnh: Kiểm tra việc phân loại rác thải tại Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ

Phòng khám Đa khoa An Bình (thị trấn Tứ Kỳ) là một trong những đơn vị y tế tư nhân thực hiện tốt các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại chất thải y tế. Phòng khám đã đầu tư mua các thùng rác theo 3 màu vàng, trắng và đen để phân loại rác ban đầu theo đúng quy định. Đồng thời ký hợp đồng với Công ty CP Công nghệ môi trường An Sinh (Gia Lộc) chuyên xử lý rác thải y tế. Rác thải thông thường được tập kết đúng điểm để thu gom, xử lý. Cán bộ, nhân viên phòng khám đều được tập huấn quy trình thu gom, xử lý chất thải 2 lần/năm. Các tranh ảnh tuyên truyền trực quan cách phân loại rác thải được dán ở những vị trí thuận tiện để cán bộ, nhân viên và người dân đến khám bệnh thực hiện. Ở khu vực khám ban đầu, phòng khám đặt cốc thủy tinh ở cây nước nóng lạnh phục vụ người dân đến khám bệnh, thay cho cốc nhựa dùng một lần như trước đây.

Bệnh viện Phổi tỉnh cũng là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện bệnh viện xanh - sạch - đẹp, bảo đảm xử lý rác thải theo đúng quy định. Việc theo dõi quản lý chất thải nguy hại, vận hành hệ thống xử lý môi trường được bệnh viện theo dõi hằng ngày bằng sổ tay. Bệnh viện thực hiện quan trắc môi trường định kỳ. Cán bộ, nhân viên trong viện đều được tuyên truyền, tập huấn về quản lý chất thải y tế. Các biển báo hướng dẫn quy trình xử lý chất thải, hướng dẫn người bệnh phân loại rác thải trước khi cho vào thùng và hệ thống thùng rác được bố trí ở tất cả các khoa, phòng trong toàn viện.

Theo Sở Y tế, năm 2018 các cơ sở y tế công lập và tư nhân trong tỉnh phát sinh trên 1.700 tấn chất thải y tế, 24,2 tấn chất thải lây nhiễm, gần 33 tấn chất thải nguy hại không lây nhiễm và trên 520.000 m3 nước thải y tế. Tất cả số rác thải, nước thải phát sinh đã được xử lý theo quy định. Hiện có 3 cơ sở tư nhân thực hiện xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ đốt. Ngành y tế đang triển khai 3 cụm xử lý chất thải y tế nguy hại bằng công nghệ không đốt từ nguồn vốn ODA tại Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y tế các huyện Tứ Kỳ và Kinh Môn. Cụm xử lý chất thải ở Bệnh viện Nhi đã đi vào hoạt động nhưng chưa xử lý theo cụm, 2 cụm còn lại đã hoàn thành đang chờ Ban Quản lý dự án xử lý chất thải trung ương kiểm định đầu ra.

Ông Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh do tính chất đặc thù nên lượng rác thải của ngành y tế khá đa dạng. Chất thải nhựa phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế; các hoạt động chuyên môn như dụng cụ bao gói, vỏ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường và đa dạng các hình thức truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon sử dụng 1 lần nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng; thải bỏ các sản phẩm nhựa, nilon. Tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện phân loại rác thải phát sinh ngay tại nơi làm việc, có khả năng tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa; tổ chức thu gom và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Triển khai sử dụng mô hình 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng và tái chế túi nilon, các sản phẩm từ nhựa trong các hoạt động. Sở phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy trong các cơ sở y tế.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm rác thải nhựa trong ngành y tế