Cạn kiệt nguồn dược liệu và động vật ở vùng núi Nhẫm Dương

12/06/2019 18:22

Ngoài những giá trị khảo cổ nổi tiếng về khoa học, lịch sử, vùng núi đá Nhẫm Dương còn có đa dạng các loài dược liệu và động vật phong phú.


Thảm thực vật ở núi Nhẫm Dương (Kinh Môn) vốn rất đa dạng

Vùng núi đá Nhẫm Dương nằm ở thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân (Kinh Môn) có tổng diện tích trên 46 ha, bao gồm chùa Nhẫm Dương và toàn bộ vùng núi đá Nhẫm Dương. Ngoài những giá trị khảo cổ nổi tiếng về khoa học, lịch sử, vùng núi đá này còn có đa dạng các loài dược liệu và động vật phong phú.

Nhiều cây thuốc có giá trị

Nơi đây có một số loài cây thuốc đã được người dân khai thác, sử dụng rộng rãi từ xưa như bình vôi, cỏ xước, chè vằng, dây đau xương, hà thủ ô trắng, ngũ gia bì chân chim, phèn đen, sâm đất… Nhưng sự đa dạng loài và giá trị tiềm năng cây thuốc ở đây chưa được nghiên cứu đầy đủ để có các giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Năm 2018, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương đã thống kê thành phần loài cây thuốc mọc tự nhiên và bước đầu đánh giá giá trị tiềm năng nguồn lợi cây thuốc ở khu vực núi đá này. 

Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy vùng núi đá Nhẫm Dương có nguồn cây thuốc mọc tự nhiên khá đa dạng, với 120 loài mọc tự nhiên, thuộc 109 chi, 56 họ, của 3 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong số đó có 3 loài thuộc diện ưu tiên bảo tồn là bình vôi (thuộc nhóm II B - hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại), tắc kè đá (thuộc Sách đỏ Việt Nam năm 2007, bậc VU - sắp nguy cấp), thổ nhân sâm (thuộc phân hạng VU - sắp bị nguy cấp). Hiện 3 loài này chỉ còn các cây nhỏ và rất hiếm gặp. 

Phần lớn các loài cây thuốc ở đây đều có giá trị sử dụng cao, điều trị được trên 20 nhóm bệnh thường gặp như các bệnh về gan, thận, tiết niệu, bệnh thấp khớp, đau nhức xương, đau lưng, bó gãy xương, sai khớp, các bệnh về đường tiêu hóa...

Do thảm thực vật bị suy thoái mạnh và nhu cầu khai thác cây thuốc trong vùng cao nên trữ lượng cây thuốc ở vùng núi đá Nhẫm Dương bị suy giảm đáng kể. Một số loài cây thuốc trước kia có trữ lượng lớn nay không còn như bồ bồ, thiên niên kiện... Chỉ số ít loài hiện còn khả năng khai thác ở mức hạn chế, phục vụ nhu cầu sử dụng tại chỗ như chè vằng, dây đau xương, 2 loài dứa dại và cỏ xước.

Từng có hệ động vật phong phú

Vừa qua, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ giá trị hệ động, thực vật núi đá vôi và các di tích lịch sử - văn hoá khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt núi Nhẫm Dương. Đây là cơ sở khoa học để xây dựng các giải pháp quản lý bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao giá trị cảnh quan của khu di tích cấp quốc gia đặc biệt núi Nhẫm Dương. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 4.2018 - 3.2019 trên toàn bộ diện tích khu di tích núi Nhẫm Dương và khoảng 4 ha vùng lân cận. 

Kết quả khảo sát đã ghi nhận được 19 loài thú thuộc 11 họ và 4 bộ. Trong đó có tới 15 loài thú nhỏ, chỉ có 4 loài thú lớn và trung bình, gồm: mèo rừng, cầy hương, chồn bạc má và cầy móc cua. Có 2 loài thuộc diện ưu tiên bảo tồn (loài nguy cấp, quý, hiếm) là mèo rừng và cầy hương.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định 60 loài chim cho thấy khu hệ chim ở vùng núi Nhẫm Dương tương đối đa dạng về thành phần loài. Có 2 loài chim thuộc diện ưu tiên bảo tồn là cú lợn lưng nâu (Sách đỏ Việt Nam 2007, ở bậc VU - sắp nguy cấp) và diều hoa Miến Điện. Cả 2 loài đều có tên trong phụ lục II B (khai thác vì mục đích thương mại bị hạn chế và có kiểm soát) của Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại vùng núi Nhẫm Dương có ít loài bò sát, chỉ còn 16 loài hầu hết là loài phổ biến ở nhiều vùng trong cả nước. Các loài bò sát và ếch nhái đều có mật độ thấp và rất thấp. Đây là hậu quả của việc săn bắt quá mức và sự suy thoái môi trường sống của chúng trong nhiều thập kỷ qua. Có 4 loài rắn nguy cấp, quý đang được ưu tiên bảo tồn, gồm: ráo thường, cặp nong, hổ mang, hổ chúa.

Theo người dân địa phương, trước đây vùng núi Nhẫm Dương được bao quanh bởi vùng nước trũng rất khó tiếp cận, lại có núi đá và rừng tự nhiên bao phủ nên hệ động vật ở đây rất phong phú. Nhưng do săn bắt quá mức, bảo vệ rừng và bảo vệ các hệ sinh thái núi đá vôi yếu kém diễn ra trong nhiều thập kỷ qua nên nhiều loài động vật hoang dã đã biến mất hoặc đã bị khai thác đến cạn kiệt.

 Đến nay, công tác bảo vệ động vật hoang dã và các loài dược liệu của vùng núi Nhẫm Dương vẫn chưa được cải thiện nhiều. Việc chùa Nhẫm Dương được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp cần thiết bảo vệ, phát triển hệ động vật hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học trong khu di tích nói chung. 

Theo kết quả nghiên cứu  của PGS.TS Nguyễn Tập - PGS. TS. Nguyễn Xuân Đặng - TS. Nguyễn Xuân Nghĩa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạn kiệt nguồn dược liệu và động vật ở vùng núi Nhẫm Dương