Ô nhiễm không khí gia tăng nhưng lại vô hình và xuất hiện từ từ nên dễ hình thành thói quen chủ quan, thích ứng bị động.
Đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Các cấp, các ngành và toàn xã hội cần nhận thức rõ ràng để cùng hành động.
Bụi siêu nhỏ vượt quy chuẩn cho phép
Mấy ngày nay, trời thường xuất hiện sương mù buổi sáng sớm và chập tối, hệ thống quan trắc tự động ở một số đô thị lớn đã cảnh báo về bụi siêu nhỏ PM10 và PM2,5 gia tăng. Loại bụi này không chỉ gây ra các bệnh về hô hấp, dị ứng da mà còn có thể gây ung thư phổi.
Ở Hải Dương, mặc dù chưa có hệ thống quan trắc tự động nhưng mỗi năm cơ quan chuyên môn vẫn duy trì 4 đợt quan trắc môi trường không khí tại một số khu vực dân cư, làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (CCN) và các trục đường chính, điểm nút giao thông.
Theo tổng hợp kết quả 2 đợt quan trắc định kỳ hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh trong quý I và II.2019, môi trường không khí đã xuất hiện thêm một số khu vực ô nhiễm cục bộ.
Các thông số cơ bản như lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbon monoxit (CO), nitơ đioxit (NO2), ôzôn (O3), chì (Pb) xuất hiện ở mức cao, tiệm cận quy chuẩn cho phép. Riêng tổng bụi lơ lửng (TSP) và bụi siêu nhỏ từ bụi PM10 trở xuống đã vượt quy chuẩn cho phép.
Quan trắc 36 điểm tại khu dân cư đã có 5 điểm ô nhiễm bụi cục bộ. Sau các khu dân cư thị trấn Phú Thứ và Trại Xanh (xã Duy Tân), trên địa bàn huyện Kinh Môn đã xuất hiện thêm điểm ô nhiễm không khí cục bộ ở thị trấn Kinh Môn với TSP vượt 2,5 lần và PM10 vượt 1,43 lần quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra còn xuất hiện thêm một số điểm ô nhiễm bụi cục bộ ở các phường Phả Lại, Sao Đỏ (TP Chí Linh), thị trấn Gia Lộc. Tại làng nghề gỗ Đông Giao vẫn có TSP, PM10 và cả tiếng ồn đều vượt quy chuẩn cho phép kéo dài qua các năm.
Tại một số CCN có các ngành sản xuất đặc thù như vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản ở Hiệp Sơn, Phú Thứ (Kinh Môn), Kỳ Sơn - Ngọc Sơn (Tứ Kỳ)... luôn có nồng độ TSP vượt quy chuẩn đến 1,4 lần, PM10 vượt 1,37 lần.
Bụi gây ô nhiễm kéo dài từ các năm trước và đang gia tăng. Quan trắc 22 điểm ở các CCN đã phát hiện tới 14 điểm phát sinh ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm tiếng ồn, bụi. Có những điểm nồng độ TSP vượt 10 lần, PM10 vượt 5,29 lần quy chuẩn cho phép.
Ô nhiễm bụi, tiếng ồn cũng gia tăng mạnh trên nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Tại một số vị trí trên quốc lộ 18, quốc lộ 5, thông số TSP, PM10 vượt quy chuẩn từ 2 - 3 lần như khu vực Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, ngã ba Sao Đỏ (TP Chí Linh), ngã ba Tiền Trung (TP Hải Dương), ngã ba thị trấn Gia Lộc, nút giao giữa đường tỉnh 392 với quốc lộ37 tại xã Nghĩa An (Ninh Giang)...
So với các năm 2017 và 2018, cả số lượng khu vực và nồng độ về thông số TSP và PM10 đều tăng và diễn ra thường xuyên tại nơi có lưu lượng giao thông lớn.
Cảnh báo sớm
Các đợt quan trắc nêu trên cũng chỉ đánh giá tương đối về hiện trạng phát sinh ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, nguồn phát sinh ô nhiễm đang xuất hiện nhiều và đa dạng như tình trạng đốt rơm rạ, đốt rác thải bừa bãi, điểm đen nước thải kéo dài nảy sinh ô nhiễm mùi... Ông Tạ Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng tỉnh ta cần tăng cường các biện pháp chủ động giám sát chặt, cảnh báo sớm về ô nhiễm môi trường.
Hải Dương đang thực hiện đề án “Nâng cao năng lực quan trắc môi trường tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Dự kiến đến đầu năm 2020, các thành phố Hải Dương, Chí Linh và huyện Kinh Môn sẽ có từ 3-5 trạm quan trắc không khí tự động hoạt động, có thể quan trắc được cả bụi PM2,5. Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có từ 15 - 20 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động.
Chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường cấp bách đã nêu rõ phát triển công nghiệp là một mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phát triển kinh tế luôn luôn phải gắn bó chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Ngay từ khi thu hút đầu tư, tỉnh luôn ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sạch.
Trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh các cấp, các ngành liên quan phải có trách nhiệm cao trong hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với các dự án đã đầu tư, các doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi công nghệ để giảm phát thải ra môi trường, xây dựng mô hình sản xuất xanh, sạch.
THÀNH LONG - VỊ THỦY