Mối tình pha lê

26/09/2021 08:16

Có hôm, hắn đến là chỉ để cho Hương hai cái kẹo, rồi cười, gặp mắt nhau lại ngượng nhìn đi chỗ khác như đánh trống lảng. Tình yêu học trò của cả hai người thật trong sáng như pha lê.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Đêm qua, trong giấc mơ chập chờn, Hương thấy mình đang ở thời sinh viên. Ngày đó, Hương là cô sinh viên khoa văn nhỏ nhắn. Hương không đẹp vẻ sắc nước hương trời nhưng bù lại cô có dáng người thanh mảnh, cao ráo, tính tình xởi lởi, nhanh nhẹn, hoạt bát, hay nói hay cười và làn da trắng nõn. Đặc biệt cô rất chăm chỉ học hành, chưa từng nợ môn, chưa từng phải thi lại bất kỳ một học phần, học trình nào. Bạn học cùng phòng, cùng lớp, cùng khoa nể phục cô lắm. 

Mùa thực tập năm ấy, sinh viên năm hai của các khoa túa về các trường THCS kiến tập. Thật ngẫu nhiên, Hương và Hòa được phân công tập chủ nhiệm một lớp. Ấn tượng ban đầu của cô về Hòa khá nhạt nhòa. Hòa rất hiền, hay nói hay cười, dáng mảnh khảnh thư sinh, luôn sơ vin đóng thùng khá chỉn chu, ngoài ra không có gì đặc biệt.

Hương là con nhà nghèo. Bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm cấy cày, những năm mất mùa bữa no bữa đói. Lũ em nhỏ nheo nhóc. Hương học cơm học gạo để thực hiện ước mơ làm cô giáo làng. Ngày nhận giấy báo đỗ cả hai trường sư phạm, cô mừng nhảy chân sáo. Mừng hơn nữa là trường nào cô cũng đạt điểm nhận học bổng.

Ngày nhập trường, cô mang theo chiếc xe đạp cà tàng đã tróc hết sơn, cũ rích, long yên, gãy gác-đờ-bu, lốp mòn vẹt rong ruổi vượt gần 40 cây số lên thành phố. Trên gác-ba-ga chở một chiếc hòm gỗ cũ đã sơn lại. Chiếc khóa gia công màu vàng nhỏ tí xíu va vào thân hòm khua lộc cộc trên con đường dài gồ ghề toàn sỏi đá.

Hòa là người thành phố. Bố mẹ Hòa là cán bộ nhà nước, lại có nghề kinh doanh buôn bán thêm nên rất khá giả. Hằng ngày đến lớp, Hòa cưỡi con Eska mới coóng, êm như ru. Cả trường hồi ấy, sinh viên có xe đẹp như của Hòa chắc chỉ chừng dăm ba cái. 

Những ngày kiến tập, sáng nào Hương và bọn con gái cùng phòng cũng dậy sớm. Đánh răng, rửa mặt xong, ăn vội bát cơm nguội với thìa nước mắm, Hương dắt chiếc xe đạp quen thuộc xuống trường. Mưa xuân lây phây cả đêm khiến con đường nhựa cũ mèm ướt nhẹp. Ở lề ngã ba đường, Hòa đang đứng bên chiếc Eska mới coóng đợi Hương từ bao giờ. Thấy Hương, anh chàng khoa toán nở nụ cười tươi rói rồi lên xe, lẽo đẽo theo sau. Hương thoáng bối rối, đỏ mặt rồi giả bộ ngó lơ như không biết.

Lúc tan trường về, Hương thong thả guồng pê đan trên con đường quen thuộc. Mưa phùn đã tạnh. Gió xuân hây hây ấm áp. Tiếng xích líp mới êm êm vui tai của chiếc Eska khiến cô giật mình. Hắn đã ở đằng sau cô từ lúc nào. Rồi hắn đi song song. Hương thấy con tim mình bối rối và xao xuyến. Cứ thế, hắn lẽo đẽo trồng cây si bên cạnh cô trên con đường quen ấy suốt mùa kiến tập. Hắn chẳng nói gì, chỉ cười hiền. Lúc xe đông, đường chật thì hắn lùi lại phía sau như có ý nhường nhịn, canh chừng.

Mùa kiến tập đi qua. Sinh viên lại trở về ký túc đông đúc. Sáng sáng, Hương và lũ "quỷ sứ" cùng phòng lại tản bộ lên giảng đường. Trên hành lang các tầng, từng tốp sinh viên đứng nói cười nhìn xuống phía cổng trường. Cả một khu giảng đường ba tầng rộng lớn nhộn nhịp. Lớp văn của Hương cùng tầng với lớp toán của Hòa, chỉ cách nhau một cái cầu thang. Hương mặc chiếc áo màu tím chẽn eo, quần thụng, tóc xõa vai mềm, tay ôm chồng sách vở. Tai cô lại chợt nóng ran, đỏ lựng khi ngước nhìn lên hành lang lớp học, bắt gặp ánh mắt dõi theo của Hòa. Tay cô như lóng ngóng, run rẩy trước chồng sách vở. Má nóng ran, ửng đỏ. Tim cô đập thình thịch. Và những bước chân hình như lạc nhịp. Lạ thật. Có phải cô đã bắt đầu yêu? 

Mặc dù có học bổng, nhưng số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ chi tiêu cho việc sinh hoạt, ăn uống tằn tiện hằng ngày. Hương không xin tiền bố mẹ. Vì cô biết có xin, bố mẹ cũng không có mà cho. Cả nhà quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán, dưới Hương lại còn 3 đứa em đang tuổi ăn học. Mỗi tuần, Hương chỉ về xin mẹ 3 ống gạo. Chiếc chum gạo nhỏ màu da lươn ở góc buồng có hôm chỉ còn vừa đủ 3 ống bơ để cô mang đi. Cái nghèo khiến cô chạnh lòng, xót xa. Cô không dám mở miệng, cũng chưa từng có ý nghĩ xin tiền tiêu pha, may vá. Hương tiết kiệm hết mức từ số tiền học bổng sáu mươi lăm ngàn đồng/tháng của mình cho mọi khoản chi tiêu. Hương không dám ăn bất kỳ một món quà vặt nào. Những khi rảnh rỗi, cô và bọn con gái cùng phòng nhận len về móc khăn thuê. Ngày ấy ai mà có chiếc khăn len, mũ len mà dùng là oách lắm. Hương dành dụm tiền công, mua cuộn len nâu, móc tặng bà ngoại một chiếc khăn vuông thật đẹp.  Vì tài chính eo hẹp, không có tiền mua sách giáo khoa, sách giáo trình nên sau mỗi buổi học, cô thường có thói quen nán lại lớp, mượn sách của các bạn nhà giàu để đọc và ghi chép. Biết thói quen đó của Hương, sau khi tan lớp, anh chàng khoa toán lại vào ngồi trồng cây si một lúc. Chẳng để làm gì cả. Chỉ là để được nhìn thấy bạn ấy, được ngồi ké bên một lúc, huyên thuyên mấy câu không đầu không đuôi, rồi về. Hôm nào không nhìn thấy, không ngồi cạnh, không nói với nhau một lời là nhớ. Chỉ thế thôi. Một cái cầm tay cũng chưa dám. Hắn nhát như thỏ. Có hôm, hắn đến là chỉ để cho Hương hai cái kẹo, rồi cười, gặp mắt nhau lại ngượng nhìn đi chỗ khác như đánh trống lảng. Tình yêu học trò của cả hai người thật trong sáng như pha lê.

Kì nghỉ hè, Hương vào hiệu bánh đậu xanh, xin làm công nhân gói bánh và đóng hộp cho nhà sản xuất. Bà chủ cửa hàng thấy cô nhanh nhẹn lại là sinh viên sư phạm nên nhận luôn. Chiều chiều, sau giờ làm, cô đến lớp học tiếng Anh, trả tiền học phí bằng tiền gói bánh đậu kiếm được. Điểm tiếng Anh của Hương cao ngất, khiến các bạn trong lớp trầm trồ. Tan lớp, Hương thong thả đạp xe cà tàng về nhà người cậu ở gần đó. Gió heo may đầu mùa mát lạnh. Mùi hoa sữa ngan ngát. Cô lại bỗng thấy tai mình nóng đỏ. Nhìn lại phía sau, đã thấy chàng trai khoa toán ấy đang âm thầm đi theo sau trồng cây si từ bao giờ. Con tim cô lại ngân lên, bối rối, thẹn thùng.

Thế rồi qua năm sau, mùa thực tập cuối khóa, hai người không đi cùng đoàn. Nhưng tối nào chàng khoa toán cũng tìm cớ đến phòng của Hương trong ký túc. Lúc thì lấy cớ cho mượn tài liệu. Lúc thì đi cùng một anh chàng toán khác đang trồng cây si ở phòng bên ghé chơi. Có lúc, chẳng có lý do gì cũng thấy chàng dắt chiếc Eska dựng ở cửa phòng, thập thò rồi vào ngồi, để nói mấy câu vu vơ không đầu không đuôi, hoặc ngồi im lặng một lúc rồi về. Cứ thế, chàng lẽo đẽo trồng cây si suốt một năm học cuối cùng trong khu ký túc xá của bọn "ma nữ". Chúng nó mỗi lần thấy Hòa đến thì hiểu ý, trêu vài câu là mặt anh chàng đỏ lựng rồi cười trừ. Cứ đến những ngày quan trọng như ngày mồng 8 tháng 3, 20 tháng 11 và ngày sinh nhật của Hương, anh chàng khoa toán ấy lại tặng Hương một bông hồng nhung đỏ thắm kèm một đồ vật thủ công mỹ nghệ xinh xắn bọc giấy hoa lấp lánh có cái nơ xinh xinh. Hương nâng niu giữ bông hoa tươi lâu nhất có thể, rồi cô ép cả bông hồng đỏ thắm ấy vào quyển nhật ký, thỉnh thoảng, lại mở ra ngắm nghía. Cuối tuần nào Hòa không đến, cô lại cồn cào nhớ mong như thiếu vắng một cái gì đó rất quan trọng trong đời.

Rồi họ ra trường. Hương về dạy ở một vùng quê xa xôi. Hòa không theo nghề dạy học mà đi học luật rồi vào làm trong cơ quan nhà nước ở thành phố. Hai người không thể đến với nhau vì lý do gia đình, hoàn cảnh công việc và tuổi tác. Nói chung là những lý do từ phía gia đình Hòa. Anh chưa đủ mạnh mẽ vượt qua những rào cản ấy để đến với Hương. Hương suy sụp mấy tháng ròng. Với cô, mối tình đầu trong sáng ấy thật khó quên. Rồi công việc lu bù, bận rộn, Hương cũng dần nguôi ngoai, vơi đi đau khổ. Hòa vẫn âm thầm theo dõi tin của cô từ xa. Hương biết Hoà thật lòng yêu thương cô nhưng anh bất lực trước gia đình. Bố mẹ anh nhất quyết ép anh cưới một cô gái là con của một người bạn có vai vế trong cơ quan. Hoà không chịu. Anh đợi Hương đi lấy chồng được hai năm rồi mới lấy vợ. Vẫn là cô gái bố mẹ anh sắp xếp cho. Nhưng họ ở với nhau được mấy năm, có một con rồi vợ chồng Hòa ly hôn, nghe nói vì họ không hợp nhau.

Sau khi ly hôn, Hòa lấy cớ đi công tác, tìm về tận quê của Hương, trước là để thăm lại bố mẹ và các em của Hương sau nhiều năm xa cách, sau là để dò hỏi xem Hương sống có hạnh phúc không. Khi được biết Hương đang sống rất yên ổn, hạnh phúc cùng chồng là bộ đội và hai đứa con xinh xắn, Hòa đã âm thầm lặng lẽ rút lui, dặn bố mẹ Hương đừng cho cô biết việc anh đến thăm nhà lần này. Mãi sau này, Hương mới biết qua lời của một người mợ kể lại. Hương biết chắc là anh còn nghĩ đến cô nhưng anh đã biết trân trọng hạnh phúc của cô đang có mà lặng lẽ dõi theo, chúc phúc, không làm khó cô. Còn Hương, từ ngày lấy chồng cũng tuyệt không liên lạc, dõi theo gì về Hòa nữa. Cô yêu chồng, yêu cái gia đình nhỏ của mình, yêu công việc mà cô đang làm. Cô nghĩ: với mình, Hòa như một người có duyên mà không có phận, hai người chỉ gặp nhau một quãng đường đẹp trong cuộc đời, chỉ đi cùng nhau đến đó là hết duyên. Sau này, tình cờ qua một người bạn, cô biết Hòa đã đi bước nữa và có thêm một cô con gái. Gia đình nhỏ của Hòa cũng đang hạnh phúc. Cô mừng cho Hòa, mừng vì anh đã tìm được bến đỗ bình yên cho mình.

Dù vậy, trong sâu thẳm trái tim và tâm hồn của cô vẫn có một khoảng trời bình yên cho mối tình đầu. Có lần, cô kể lại cho chồng nghe. Nhìn sắc diện của chồng, cô đoán chắc anh đang suy tư. Nhưng Hương chân thật quá, vả lại mối tình đầu ấy trong sáng, tươi đẹp và mong manh như pha lê thế nên anh cũng không nỡ ghen. 

Thỉnh thoảng, sống thật với lòng mình, Hương vẫn trân trọng, nâng niu mối tình đầu mong manh, trong sáng như pha lê ấy. Giống như hôm nay vậy. Giấc mơ về thời sinh viên nghèo khó nhưng trẻ trung, thơ mộng, đầy đam mê và ước vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ đã in dấu mối tình đầu quá trong sáng và mong manh của cô. Hương tự nhủ sẽ nâng niu cất giữ nó ở một nơi sâu thẳm, làm kỷ niệm, làm của cải của riêng mình, chạm rất khẽ để nó không vỡ thêm một lần nữa...

Truyện ngắn của HIỀN HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối tình pha lê