Dân số Hải Dương hiện xấp xỉ 1,8 triệu người, tính theo tỷ lệ trên thì có khoảng 350.000 người mắc bệnh viêm gan virus B.
Bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm gan virus B tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Viêm gan virus B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng rất cao (khoảng 15- 20% số dân mang bệnh). Bệnh viêm gan virus B mạn tính thường dẫn tới xơ gan và ung thư gan (tỷ lệ ung thư gan do viêm gan virusB chiếm 80% tổng số các trường hợp). Dân số Hải Dương hiện xấp xỉ 1,8 triệu người, tính theo tỷ lệ trên thì có khoảng 350.000 người mắc bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý trên 1.000 bệnh nhân viêm gan virus B điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng virus hằng ngày. Các bệnh nhân này được khám, xét nghiệm, kiểm tra chức năng gan, độ hoạt động của virus 3 tháng một lần. Ngoài ra, mỗi năm có trên 300 bệnh nhân viêm gan B nặng trên nền bệnh đã biến chứng xơ gan, ung thư gan điều trị nội trú. Diễn biến bệnh viêm gan virus B từ giai đoạn bắt đầu nhiễm đến giai đoạn cuối (xơ gan, ung thư gan) kéo dài khoảng 15- 20 năm. Nếu bệnh nhân mắc viêm gan virus B đồng thời bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, viêm gan virus C, nghiện rượu và một số bệnh mạn tính khác thì khoảng thời gian đó sẽ ngắn hơn. Ngược lại, những bệnh nhân không đồng thời mắc các bệnh trên và có phương pháp điều trị hợp lý thì khoảng thời gian sống của họ sẽ kéo dài hơn.
Bệnh viêm gan virus B lây truyền qua 3 đường chính: từ mẹ sang con, quan hệ tình dục và đường máu. Biểu hiện của nhiễm virus viêm gan B rất khó nhận biết. Khoảng 30% số bệnh nhân mắc bệnh này có biểu hiện lâm sàng như mệt mỏi, tiểu vàng, củng mạc, mật vàng, viêm mạc dưới lưỡi vàng... Đa số các trường hợp còn lại có các triệu chứng không rõ nên người bệnh dễ bỏ qua. Vì không chú ý nên nhiều bệnh nhân đến khám đều ở giai đoạn bệnh muộn như xơ gan, ung thư tế bào gan... khiến việc điều trị khó khăn, hiệu quả thấp.
Bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo: “Người nhiễm virus viêm gan B nên kiểm tra chức năng gan định kỳ 6 tháng một lần. Khi thấy men gan tăng, người nhiễm nên xét nghiệm chuyên sâu như HbeAg, Anti Hbe, đo tải lượng virus... để đánh giá tình trạng nhân lên của virus và sử dụng phác đồ điều trị hợp lý". Cách phòng bệnh viêm gan virus B hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm vaccine phòng viêm gan B và mũi đầu tiên tiêm càng sớm càng tốt (trong vòng 24 giờ sau khi sinh). Tất cả người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai nên xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để có các phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng, dụng cụ xăm trổ, quan hệ tình dục an toàn cũng là các biện pháp phòng tránh bệnh viêm gan virus B.
ĐỨC THÀNH
Người lớn bị viêm gan virus B cấp tính có khả năng khỏi bệnh cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Đối với người lớn bị bệnh này, 90% số trường hợp sẽ khỏi hoàn toàn, còn lại 10% trở thành viêm gan virus B mạn tính. Nếu trẻ em nhiễm virus viêm gan B do lây truyền từ mẹ thì 98% số trường hợp sẽ mang virus suốt đời và 40% trong số này có nguy cơ sẽ chết vì bệnh xơ gan và ung thư gan. Nếu trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh trong độ tuổi từ 1-6 thì 70% số trẻ này sẽ khỏi hoàn toàn. |