Mỗi mái tóc, một vóc người

13/04/2015 14:32

Công việc của những người thợ cắt tóc tuy bình dị nhưng không thể thiếu cho dù cuộc sống không ngừng đổi thay theo thời gian.


Không quản mưa hay nắng, người thợ cắt tóc vẫn miệt mài với công việc làm đẹp cho mọi người. Công việc ấy tuy bình dị nhưng không thể thiếu cho dù cuộc sống không ngừng đổi thay theo thời gian.



Nghề cắt tóc gắn bó với ông Ðảo trong 60 năm qua

Một đời làm “phó cạo”

Đã thành thông lệ vào mỗi buổi sáng, ông Nguyễn Văn Đảo (75 tuổi) ở khu I thị trấn Cẩm Giàng thường dậy rất sớm. Sau một vài động tác tập thể dục và vệ sinh cá nhân, ông Đảo lại thong dong đi bộ ra quán cắt tóc gần nhà. Từ lâu nay, người dân ở thị trấn này đã quen với hình ảnh một ông cụ đầu tóc bạc phơ nhưng vẫn cần mẫn với công việc. Ông tâm sự: “Tôi biết cắt tóc từ năm 16 tuổi. Tính đến nay tôi đã có gần 60 năm sống bằng nghề này”. Nghề cắt tóc không cần trình độ học vấn, không cần đầu tư nhiều tiền, chỉ cần có một địa điểm cố định, một bộ đồ nghề gồm kéo cắt, lược, dao cạo, khăn choàng, bộ lấy ráy tai, bàn phủi bụi, một tấm gương… là có thể kiếm tiền của thiên hạ.

Nói là vậy nhưng thực tế không đơn giản. Ông Đảo kể, trước đây ông học nghề này từ một người chú ruột. Phải mất gần 2 năm phụ việc ông mới được “đứng kéo”. Thời gian học việc, ông chỉ được làm những việc vặt trong hiệu, từ quét dọn nhà cửa, vệ sinh đồ cắt tóc, lau gương… để làm quen với các

"Những cái khác có thể làm hỏng rồi sửa được nhưng khi đã cắt hỏng một mái tóc thì chỉ có nước chờ tóc mọc lại để sửa hoặc là chấp nhận... cạo trọc đầu".

vật dụng cắt tóc. “Lúc ấy, đứng bên cạnh nhìn người chú cắt tóc mà tôi sốt ruột, chỉ muốn được vào cắt ngay. Nhưng đến giờ, sau ngần ấy năm trải nghề, tôi mới hiểu muốn học nghề này thì không thể nóng vội. Những cái khác có thể làm hỏng rồi sửa được nhưng khi đã cắt hỏng một mái tóc thì chỉ có nước chờ tóc mọc lại để sửa hoặc là chấp nhận... cạo trọc đầu”, ông Đảo cười nói.

Những năm đầu thập niên 60, Tổ hợp tác cắt tóc của thị trấn được thành lập. Ông nhớ lại: “Lúc ấy, cả tổ có 10 người làm việc trong căn nhà vách đất. Chính quyền phân cho chúng tôi một gian nhà tự quản để làm việc. Trung bình mỗi ngày một người thợ cắt khoảng 10 đầu. Mỗi một đầu được trả 2 hào. Thu nhập đủ nuôi sống cho cả gia đình”. Cuối những năm 60, đất nước trong cảnh chiến tranh, ga Cẩm Giàng trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Năm 1968, ông Đảo phải đưa vợ con đi sơ tán. Đầu những năm 70, khi quay lại thị trấn, trước cảnh đổ vỡ hoang tàn, ông lại bỏ công dựng tạm cái lán ở vị trí cũ để tiếp tục hành nghề. Nghề cắt tóc tiếp tục gắn bó với ông từ đó đến tận bây giờ. Ở thị trấn Cẩm Giàng, ông Đảo được coi là “lão làng” trong nghề “phó cạo”. Đến nay, hai người con trai cũng được ông truyền cho nghề cắt tóc.

Nỗi niềm người cắt tóc


Cả đời làm nghề cắt tóc cũng là từng ấy thời gian ông Đảo chứng kiến những đổi thay của thị trấn bé nhỏ này. Thời gian khiến nhiều điều thay đổi và người thợ cắt tóc cũng phải hòa nhịp chung để tồn tại. Với ông Đảo, nghề cắt tóc giống như “nghề làm dâu trăm họ”. Vì vậy người thợ cắt tóc cũng cần phải học cách chiều khách. “Trước đây, yêu cầu của khách thường đơn giản, chủ yếu là cắt đầu mái bằng, mái lệch hoặc cắt cao. Nhưng bây giờ, khách hàng có nhiều mẫu tóc để lựa chọn. Vì vậy mà người thợ cắt tóc cũng cần phải tự nâng cao tay nghề, tìm tòi sáng tạo thêm một số kiểu tóc mới. Có như vậy mới thu hút khách”, ông Đảo bộc bạch. Tuy nhiên, không phải yêu cầu nào của khách ông cũng đáp ứng. Ông tâm niệm, nghề cắt tóc là nghề làm đẹp cho mọi người nên cái đẹp cũng phải được thể hiện theo đúng nghĩa “cái răng cái tóc là góc con người”. Nhiều thanh niên đến yêu cầu ông cắt theo kiểu “nghịch ngợm”, ông thường từ chối. Có gia đình đưa con em mình đến cắt tóc yêu cầu cạo trọc đầu chỉ để lại ít tóc ở gáy để nuôi cho “mốt”, ông liền khuyên giải để người lớn biết cách giáo dục con trẻ.

Theo ông Đảo, làm nghề cắt tóc như ông chỉ đủ ăn chứ không thể giàu có được. Mỗi lần cắt tóc, ông lấy công 20.000 đồng. Thường mỗi ngày ông có 5-10 khách, ngày đông bù cho ngày vắng. Có ngày may mắn ông cũng kiếm được 300.000 đồng. Tranh thủ lúc vắng khách, nhấp một chén chè, ông tâm sự: “Tôi đã có tuổi, mắt kém, tay yếu, sức khỏe không còn được như thời trai trẻ nên cắt được ngày nào thì biết ngày ấy. Công việc cắt tóc cũng giúp tôi thư giãn. Ra đây làm việc tôi được gặp nhiều người, được nói chuyện, nghe đài và nắm bắt các thông tin xã hội. Cũng nhiều chuyện hay lắm chú à”.

Ngày nào cũng vậy, quán cắt tóc của ông Đảo mở cửa từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Vào những ngày hè, đông khách, ông cố gắng làm thêm giờ để khách không phải chờ lâu. Dù tuổi đã cao nhưng cắt đẹp và nói chuyện có duyên nên ông có nhiều khách quen. Có gia đình cả 3 thế hệ đều cắt tóc ở đây. Nhiều người đến với quán của ông như một cách để quay lại kỷ niệm xa xưa với những câu chuyện quanh chén nước chè. Quán cắt tóc của ông đã trở thành điểm hẹn của những người bạn già. Ông Trịnh Đình Chung (89 tuổi) là khách quen ở đây đã hơn 20 năm. Ông Chung cho biết: “Chúng tôi biết nhau từ lâu nên đã quen cách cắt tóc của ông Đảo. Mỗi lần ra đây, chúng tôi lại kể cho nhau nghe những chuyện ngày xưa mà không còn mấy người ở cái thị trấn này được chứng kiến. Mỗi tháng tôi đều đến đây cắt tóc một lần. Những hôm trời mưa gió, không đi được, tôi cứ thấy như thiếu thiếu cái gì. Mấy hôm sau lại phải ra ngay. Thời gian nói chuyện còn nhiều hơn thời gian cắt tóc”.

Xã hội phát triển nên dịch vụ cắt tóc cũng thay đổi nhiều. Những quán cắt tóc truyền thống như của ông Đảo không còn nhiều. Mặc dù vậy, hình ảnh quán cắt tóc nhỏ ven đường luôn rôm rả tiếng nói cười vẫn là điểm dừng chân của những người hay hoài niệm về quá khứ.

LÊ TÂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi mái tóc, một vóc người