Các xưởng may thường được xây dựng tạm bợ, không theo những quy chuẩn nhất định nên khi có sự cố cháy xảy ra rất khó cho công tác chữa cháy...
Bảng nội quy, tiêu lệnh và bình PCCC của Công ty May Thanh Liên bị quần, áo che lấp
Chúng tôi đến Công ty May Thanh Liên ở thôn Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành) giữa lúc 60 công nhân ở đây đang tập trung, gia công các sản phẩm may mặc. Xưởng rộng khoảng 150 m2, được xây dựng ngay bên cạnh nhà của chủ xưởng. Nhà xưởng được lợp tôn và sử dụng các tấm xốp để chống nóng, hệ thống dây điện phục vụ sản xuất chạy chằng chịt. Xưởng có một cửa vào ra duy nhất rộng gần 3 m, một cửa đi ra khu nhà vệ sinh rộng chừng 0,5 m. Xưởng may không có kho riêng để chứa hàng nên các sản phẩm sản xuất ra được chất đống, xếp bừa bộn trong xưởng. Qua trao đổi với một công nhân đã làm việc ở đây nhiều năm, chúng tôi được biết xưởng may này là của chị Đoàn Thị Liên, đã hoạt động được 5 năm. Công nhân này cho biết: "Làm việc ở đây đã 5 năm nay nhưng chưa bao giờ chúng tôi được tập huấn về phòng cháy, chưa cháy (PCCC). Nhưng xưởng cũng đã thành lập được một tổ PCCC gồm 3 người. Những người này đã đi tập huấn về PCCC rồi". Nói rồi chị chỉ cho chúng tôi xem chỗ có đống áo được xếp cao che mất già nửa bảng nội quy và tiêu lệnh PCCC, ở dưới đống áo có 2 bình cứu hỏa. Còn nước để chữa cháy thì chị bảo phải ra phía sau khu nhà vệ sinh mới lấy được. "Xưởng chật chội thế này, nhỡ không may xưởng bị cháy thì các chị làm thế nào? - Tôi hỏi". "Thì chỉ còn nước là chạy chứ biết làm thế nào".
Xưởng may của Công ty CP May Tất Thành được xây dựng tháng 6 - 2011 tại thôn Du Tái, xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Xưởng được xây dựng trên diện tích khoảng 500m2, bên cạnh nhà một số hộ dân trong thôn. Công ty có khoảng 50 công nhân, sản phẩm là quần, áo với sản lượng đạt 10 nghìn sản phẩm/tháng. Trao đổi với chúng tôi về công tác PCCC của xưởng, anh Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc công ty cho biết: "Chúng tôi đã mua 12 bình cứu hỏa, thành lập đội PCCC gồm 12 người và đã cử đi tập huấn về công tác PCCC. Chúng tôi cũng xây dựng một bể chứa nước 12m3, bố trí các dây dẫn nước để phục vụ công tác PCCC". Tuy nhiên, chúng tôi thấy trong xưởng không có bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC. Quần, áo, các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất được chất đống bừa bộn khắp nơi. Chúng tôi đếm mãi chỉ có khoảng 6 bình cứu hỏa, có bình được vứt chỏng chơ ở góc xưởng.
Xưởng may Hợp Tứ ở thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) hoạt động từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa có đội PCCC. Khi chúng tôi đề nghị được "mục sở thị" hệ thống PCCC của xưởng thì anh An Đăng Miến, nhân viên hành chính của xưởng không đồng ý và nói: "Không phải là công nhân, nhân viên của xưởng thì không được vào, phóng viên cũng không được phép". Sau khi làm việc với chị Đào Thị Ngân thì chúng tôi đã được tiếp cận với không gian làm việc của các công nhân nơi đây. Khi được hỏi về công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo đảm an toàn PCCC của xưởng, một nữ công nhân im lặng hồi lâu rồi cho biết: "Lãnh đạo xưởng cũng có tổ chức tuyên truyền cho công nhân". Nhưng khi hỏi, việc tuyên truyền, tập huấn được tổ chức như thế nào, có thường xuyên không thì chị ậm ừ: “Không biết”. Xưởng may Hợp Tứ có diện tích gần 2.000 m² với khoảng 200 công nhân, chủ yếu gia công quần, áo. Trong quá trình sản xuất, sản phẩm thường được chất thành đống cạnh bàn làm việc của các công nhân, vải vụn rơi vãi cả trên nền nhà...
Hiện nay không ít các xưởng may gia công của các doanh nghiệp tư nhân được xây dựng ở các làng quê nhằm tranh thủ nguồn lao động rẻ, dồi dào. Đa số các xưởng may ở dạng nhỏ lẻ, nhiều cũng chỉ có hơn trăm lao động, ít chỉ vài ba chục công nhân. Các xưởng may thường được xây dựng tạm bợ, không theo những quy chuẩn nhất định và thường nằm xen kẹp trong các khu dân cư. Khi có sự cố cháy xảy ra, chắc chắn sẽ thiệt hại không hề nhỏ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm, vào cuộc để kiểm tra, uốn nắn về công tác PCCC ở các xưởng may gia công này.
VŨ ÚY - XUÂN NGÂN