Huyện vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là vùng đất còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như Cơ tu, Pa Cô, Tà Ôi cùng những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác A Nôr
Đây là lợi thế đang được địa phương khai thác để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, nâng cao đời sống của người dân.
Nằm cách trung tâm huyện A Lưới hơn 2 km, thác nước A Nôr ở xã Hồng Kim đang trở thành một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Dọc con đường bê tông dẫn vào thác nước là những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn mình dưới tán cây xanh dành cho du khách lưu trú. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, làng du lịch cộng đồng A Nôr đang sôi động trở lại vào dịp Hè. Nhiều du khách đến đây để trải nghiệm văn hóa bản địa, thưởng thức ẩm thực cũng như được hòa mình vào dòng nước mát dưới chân thác A Nôr giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ.
Vẻ đẹp hoang sơ của thác A Nôr
Chị Hồ Thị Trâm, ở thôn A Nôr, xã Hồng Kim cho biết, làng du lịch cộng đồng được hình thành cách đây 3 năm từ một dự án hỗ trợ của nước ngoài. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, các hộ dân ở đây đã dần làm quen với những kỹ năng tổ chức sự kiện cộng đồng, phục vụ buồng phòng, giao tiếp với du khách, trong đó có cả khách nước ngoài. Thu nhập từ du lịch góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Thác A Nôr có hai tầng, tầng trên có một hố nước sâu gần 2 m quanh năm một màu xanh ngắt. Với hạ tầng du lịch được đầu tư tương đối đồng bộ cùng với giá cả lưu trú hợp lý, khoảng 120.000 đồng/người/đêm, Thác A Nôr đang trở thành điểm du lịch thân thiện, không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Thừa Thiên – Huế.
Du khách trải nghiệm ẩm thực địa phương bên dòng thác A Nôr .
Theo Giám đốc Hợp tác xã Làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr Hoàng Thanh Duy, hầu hết đại diện các hộ gia đình của thôn vừa là thành viên của hợp tác xã, vừa tham gia các đội tự quản bảo vệ rừng, qua đó tạo ra sự gắn kết để khai thác phát triển du lịch một cách bền vững. Các thành viên của hợp tác xã được tập huấn kỹ năng làm du lịch và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Đến với làng du lịch cộng đồng, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều đặc sản của vùng cao nơi đây như thịt bò A Lưới, gạo nếp than, gạo Ra dư, mật ong rừng cùng những sản phẩm đan lát mây, tre, điêu khắc gỗ, dệt Dèng của đồng bào các dân tộc địa phương.
Làng du lịch cộng đồng A Nôr có nhiều nhà homestay để du khách lưu trú.
Huyện A Lưới xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đi liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, kết hợp với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Đến nay, địa phương đang thực hiện giao khoán bảo vệ, cho thuê rừng đối với 39 cộng đồng, trên 100 nhóm hộ. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng cũng được hình thành từ đây.
Điểm check in trước khi vào huyện A Lưới với biểu tượng loài Sao La.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm chia sẻ, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, với khí hậu mát mẻ, phong cảnh hoang sơ hùng vỹ, cộng đồng dân cư bản địa giàu bản sắc văn hóa chính là những yếu tố khiến A Lưới trở nên đặc biệt, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng, thời gian gần đây, huyện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội như: Phiên chợ vùng cao, tái hiện tục đi Sim, liên hoan ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, lễ hội cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại khu vực Trung tâm Văn hóa huyện... Tất cả nhằm làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần thu hút ngày càng đông du khách đến với A Lưới.
Theo TTXVN